Trước thông tin cho rằng Lâm Đồng khá “mơ mộng” về tiến độ đầu tư dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp khẳng định đây là 2 dự án trọng điểm, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thu xếp nguồn vốn ổn thoả để triển khai đúng kế hoạch, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Tuổi trẻ EVNCPC với Chương trình Tháng 7 tri ân
- Doanh nghiệp đồng hành cùng Đà Lạt xây dựng Thành phố sáng tạo âm nhạc
- Lâm Đồng: “Điểm hẹn doanh nhân” kỳ vọng trở thành diễn đàn chia sẻ, kết nối định kỳ
Chủ trì buổi giao ban, cung cấp thông tin báo chí 6 tháng đầu năm 2023, trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã ghi nhận và trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi liên quan đến một số vấn đề báo chí quan tâm.
Trước một số thông tin cho rằng, Lâm Đồng khá “mơ mộng” khi đặt mục tiêu về tiến độ triển khai dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, vì nguồn vốn đầu tư không bảo đảm, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, đây là 2 dự án trọng điểm của tỉnh, không phải là chuyện viễn vong, ảo tưởng mà đã được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là về nguồn lực đầu tư.
Theo ông Trần Văn Hiệp, với dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đặt quyết tâm khởi công xây dựng vào ngày Quốc khánh 2/9 tới đây. Do đó, nhiệm vụ hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng để khởi công được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đặc biệt quan trọng của tỉnh trong năm 2023.
Được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức vốn đầu tư sơ bộ (giai đoạn phân kỳ) là 17.200 tỷ đồng. Phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng, hiện đã được trung ương bố trí 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách đối ứng của tỉnh là 4.500 tỷ đồng đã được phân bổ. Các tổ chức tín dụng đã có cam kết bảo đảm thu xếp 9.000 tỷ đồng. Phần vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng cũng đã có kế hoạch thu xếp.
“Như vậy, về phần vốn đầu tư theo hình thức PPP của dự án đã được các bên chuẩn bị, thu xếp, bảo đảm để triển khai, không có chuyện viễn vong ở đây. Hai 2 dự án cao tốc này là mơ ước của người dân cũng như chính quyền địa phương và chắc chắn sẽ trở thành hiện thực theo đúng kế hoạch đề ra”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định.
Cũng theo ông Trần Văn Hiệp, phần khó khăn, phức tạp nhất của dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc hiện nay là công tác lập báo cáo khả thi (F/S). Các bên liên quan đang rất tích cực hoàn thiện để kịp tiến độ triển khai dự án. Bên cạnh đó, việc thay đổi hướng tuyến cục bộ của dự án để giảm thiểu việc mất rừng (giảm 23ha rừng bị ảnh hưởng), nên cũng mất thời gian để cập nhật lại một số thông tin từ đầu.
Trong khi đó, đối với dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư; ký kết biên bản thỏa thuận, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; tổ chức giải phóng mặt bằng và phấn đấu khởi công dự án vào quý II/2024; ngân sách địa phương tham gia đối ứng cho dự án này là 4.000 tỷ đồng cũng đã được chuẩn bị.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP. Dự án có chiều dài khoảng 66 km, trong đó, có 11 km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và 55 km còn lại thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.
Dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương tiếp nối cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, có chiều dài khoảng 74 km, quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc (điểm cuối dự án Tân Phú – Bảo Lộc); điểm cuối tại Km200+000 giao với cao tốc Liên Khương – Prenn tại Km208+650, huyện Đức Trọng.
Hai tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ tạo được động lực phát triển đột phá kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, thông qua kết nối thuận lợi giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp trong khu vực.
Viên Hữu