Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, lòng tôi lại da diết nhớ gia đình, quê hương xứ sở và nhớ cả mùi lịch Tết ba lĩnh năm nào…
- Cách làm dưa kiệu đón Tết Nguyên đán 2024
- Liên doanh DHN mang Tết ấm no đến người có hoàn cảnh khó khăn
- Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, chúc Tết tại thành phố Cần Thơ
- Tết thợ mỏ vùng Tây Nguyên: Mang Tết ấm đến người lao động
- Thuỷ Hoàng Nguyên: Chốn an yên sau những bộn bề phố thị
Ký ức những ngày giáp Tết
Có lẽ trong ký ức của tôi, những ngày giáp Tết mới thực sự là Tết! Bởi đó là lúc ta cảm nhận rõ nhất thời khắc chuyển giao của đất trời và của cả lòng người.
Tôi, một cô học sinh lớp 2, chưa thấu hiểu hết ý nghĩa của Tết cổ truyền dân tộc nhưng cũng mường tượng được Tết là vui, là được nghỉ học để thoả thích rong chơi cùng lũ bạn; được mẹ sắm sửa quần áo mới; được mừng tuổi ông bà và được nhận lì xì…
Hơn cả, vẫn là được bóc tờ lịch Tết ba vừa mới lĩnh, được làm thơ, viết văn với những dòng chữ non nớt, trong trẻo, phụ mẹ dán lên góc những tờ lịch cũ…
Có lẽ Tết trong ký ức của tôi sẽ khác với nhiều người. Đó là sự khác biệt thú vị mà cho mãi đến tận bây giờ, khi tôi đã trưởng thành và có gia đình riêng, thi thoảng vẫn nhớ về…
Nếu ai gắn liền với nghiệp viết lách sẽ thấu hiểu hết chữ “duyên”, chữ “nợ” và chữ “nghiệp” trong ấy. Thế hệ của ba tôi, không có máy ảnh, cũng không có máy tính, xe máy, ấy thế mà một “nhà báo làng” như ba, với chiếc xe đạp cà tàng, bi đông nước, cuốn sổ ghi chép và cây bút bi… đã rong ruổi trên khắp ngõ xóm cùng thôn để cho ra đời những bài viết thời sự, đậm dấu ấn cá nhân.
Giấy giới thiệu của toà soạn được ba ép nhựa, giữ gìn cẩn thận, xem như một “báu vật” để giúp ba tác nghiệp một cách dễ dàng. Cả nhà tôi khi ấy đều trông chờ vào đồng nhuận bút của ba. Ấy thế mà cũng đủ trang trải, ấm cúng lạ kỳ!
Thích nhất là được ba chở đi thư viện đọc sách vào mỗi dịp cuối tuần; được thưởng cái kẹo, gói bánh mỗi khi ba nhận nhuận bút; được cầm tờ lịch thơm phức ba vừa mới lĩnh dịp Tết, kèm theo đường sữa, bột ngọt, dầu ăn và hạt dưa… Tết với gia đình tôi như thế là quá đủ.
Lịch dán đầy tường, ngắm nghía xem…
Thời ấy, chưa có các loại lịch lốc đại, lịch để bàn to, đẹp, đa dạng như bây giờ, mà chủ yếu là lịch lốc loại nhỏ và đặc biệt thông dụng là loại lịch cuốn (loại 1 tờ hoặc 5, 6 tờ) in bằng giấy lán, sang lắm là in bằng chất liệu vải lụa… để treo tường.
Tôi vẫn còn nhớ, Tết năm ấy, nhờ sự hỗ trợ, “mớm mồi” của ba, tôi đã sáng tác bài thơ “Tết nghèo”. Đã hơn 30 năm trôi qua, tôi không còn nhớ rõ từng lời từng chữ trong bài thơ thời thơ bé, nhưng vẫn còn nhớ câu kết: “Lịch dán đầy tường, ngắm nghía xem…”, với nội dung chúc Tết, tri ân thầy cô, biết ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của ông bà và cha mẹ.
Thật bất ngờ! Bài thơ ấy đã được cô giáo chủ nhiệm tặng điểm 10 tròn trĩnh, khi tôi mạnh dạn đọc cho cô cùng cả lớp nghe và chép vào trang cuối của quyển vở tập làm văn.
Nhà tôi khi ấy vẫn là bức tường gạch cũ nên mỗi dịp giáp Tết là tôi lại lăng xăng, chạy quấn quýt bên ba mẹ để phụ dọn dẹp, lau chùi. Thích nhất là khâu trang trí nhà cửa bằng những tờ lịch cũ, mới và những tờ giấy khen, bài thơ…
Mẹ lấy ít cơm nguội nghiền nhuyễn thành hồ dán, bỏ vào một cái chén đất, cắt cuốn lịch của năm cũ, với đầy đủ hình ảnh, màu sắc, nào là sắc vàng của mai, sắc thắm của đào, sắc xanh của cỏ cây, chồi non, bánh chưng, bánh tét, có khi là hình ảnh của những thiếu nữ e ấp làm duyên bên mái hiên nhà, nhẹ nhàng bên chiếc xe đạp…
Xong đâu đấy, những bức ảnh kỷ niệm gia đình, những bài thơ được dán lên góc bên dưới tấm lịch (chồng lên trên ngày tháng cũ) để “biến tấu” tờ lịch cũ thành bức tranh giàu sắc Xuân, độc đáo, mới mẻ.
Còn những tờ lịch mới được ưu tiên chọn vị trí sáng sủa, gần bàn tiếp khách nhất. Khi ấy, Tết năm nào ba tôi cũng được các cơ quan báo, đài tặng lịch nên tha hồ trang trí, có khi còn dư, biếu ông bà, tặng cô chú và bạn bè thân thiết…
Tết ở quê là vậy. Mọi người cùng san sẻ niềm vui, có khi là lá chuối, là cọng lạt để gói bánh tét (bánh chưng), có khi là tờ lịch, nải chuối, buồng cau…
Nhà này có, chia xớt cho nhà kia, cứ thế mà Tết hoá đủ đầy, ấm áp nghĩa tình hàng xóm láng giềng.
Tờ lịch Tết ba vừa mới lĩnh hôm nào vẫn còn thơm phức, hiển hiện trong ký ức và in đậm trong trái tim tôi! Đó là niềm vui đón đợi, háo hức của trẻ thơ, là nỗi lo tất bật, cố gắng sắm sửa cho cái Tết đủ đầy.
Trên tất cả, đó là mùi hương đặc trưng của thời gian, của quê hương xứ sở, gia đình thương yêu và nghĩa tình chứa chan…
Tâm An
Người Làm Báo