Quảng Thái Đà Lạt là doanh nghiệp gia đình tiêu biểu

Doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ…

Chiều tối ngày 3/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước. Bà Đinh Thị Mỹ Phượng – Giám đốc Công ty TNHH Quảng Thái (Lâm Đồng), vinh dự là thành viên của đoàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu cả nước.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam không chỉ tăng nhanh về số lượng mà trình độ, năng lực quản lý và trách nhiệm xã hội cũng ngày càng được nâng cao.

Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp gia đình. Nhiều doanh nghiệp gia đình đã phát triển lớn mạnh thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiếng không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới, như: THACO, Vingroup, Sovico, BRG, TH True milk…

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc nhiều doanh nghiệp gia đình thực hiện rất tốt trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các doanh nghiệp gia đình cần quan tâm hợp tác, liên kết, phối hợp với nhau, nhất là giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi giá trị.

Nhấn mạnh việc chú trọng nâng cao năng lực quản trị, Chủ tịch Quốc hội nói: “Doanh nghiệp gia đình nhưng năng lực, trình độ quản trị phải mang tầm quốc gia. Muốn phát triển nhanh, bền vững, ra thế giới, phải có năng lực quản trị quốc tế”.

Bà Đinh Thị Mỹ Phượng – Giám đốc Công ty TNHH Quảng Thái (bên phải), nhận sự động viên, chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu, với số lượng trên 900 nghìn doanh nghiệp, trên 20 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng, chiếm khoảng 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ…

Trước đó, chiều cùng ngày, VCCI đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam năm 2023”, nhằm góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Là doanh nhân duy nhất của tỉnh Lâm Đồng tham gia Đoàn đại biểu doanh nghiệp gia đình tiêu biểu của cả nước dự buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bà Đinh Thị Mỹ Phượng – Giám đốc Công ty TNHH Quảng Thái, chia sẻ, năm 1989, sau khi nghỉ chế độ, bà cùng chồng là ông Tô Hùng Xô tiên phong mở đại lý phân phối, bán hàng thiết yếu tại Lâm Đồng. Do lúc bấy giờ thị trường hàng hóa tiêu dùng khan hiếm; thị trường tiêu thụ nông sản địa phương eo hẹp, đời sống người dân hết sức khó khăn.

Công ty Quảng Thái khởi nghiệp ban đầu từ một doanh nghiệp tư nhân năm 1993 mang tính gia đình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sau 30 năm phát triển, Quảng Thái đã trở thành doanh nghiệp đa ngành (kinh doanh phân phối, sản xuất chế biến và kinh doanh đặc sản, dịch vụ ăn uống và dịch vụ du lịch), hệ sinh thái toả rộng khắp cả nước, với gần 350 cán bộ, nhân viên.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Văn hoá doanh nghiệp gia đình Việt Nam năm 2023”, nhận quà lưu niệm của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Phượng, các doanh nghiệp gia đình luôn đề cao việc duy trì chữ tín, niềm tin với khách hàng và đối tác, đồng thời luôn có động lực mạnh mẽ để phát triển bền vững, trường tồn qua nhiều thế hệ. Do đó, việc xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh đối với doanh nghiệp gia đình là yêu cầu tự thân. Các doanh nghiệp gia đình nên và cần đi tiên phong trong xây dựng, thực hành đạo đức, văn hoá kinh doanh, lấy đó làm sức mạnh mềm để cạnh tranh và phát triển bền vững.

Viên Hữu

Doanh nghiệp Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *