Đặt mình vào vị trí Doanh nghiệp để gỡ khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Đặt mình vào vị trí Doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất – kinh doanh. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chủ trì hội nghị làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc sáng 14/9 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Phát biểu khai mạc hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị làm việc với DNNN về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. (Ảnh: VGP).

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

8 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng có xu hướng quý sau tốt hơn quý trước. Thu ngân sách Nhà nước đạt 69,4% dự toán…

Tình hình sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm 2023 có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tăng lên 50,5 điểm vượt qua ngưỡng 50 điểm sau 6 tháng liên tiếp ở dưới mức 50 điểm. Điều này thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại.

Dù vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, sức ép lạm phát, tăng trưởng gặp khó khăn, nhất là trong công nghiệp khi thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm…

Dẫn báo cáo của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng cho biết, cả nước có gần 680 DNNN nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng.

Công ty Nhôm Đắk Nông nỗ lực đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển quê hương, đất nước.

Do đó, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của DNNN, những tồn tại, hạn chế. Phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực DN này.

Những tồn tại hạn chế trong chính DN, những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để đề xuất rõ cấp nào, bộ nào cần xử lý các vướng mắc đó. Từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN.

“Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói DN, đặt mình vào vị trí DN để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay, góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Cần nhận định, đánh giá đúng, sát vị thế, vai trò của DNNN hiện nay, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, tìm ra giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn, tập trung cho các động lực tăng trưởng, đặc biệt là về đầu tư.

Công ty CP Viên Sơn nỗ lực vượt khó, vươn ra “biển lớn”.

Nguyệt Minh

Doanh nghiệp Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *