Kinh doanh dựa vào tự nhiên (NbS) mang lại nhiều lợi ích, không chỉ với doanh nghiệp, mà còn tạo ra các giá trị tích hợp đối với người nông dân, nhà khoa học và kinh tế – xã hội đất nước…
- Phát huy Phong cách người Đà Lạt trong Kinh doanh
- Doanh nghiệp bất động sản bắt đầu cuộc đua khi luật mới có hiệu lực
- Quảng bá sản phẩm tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng
- Doanh nghiệp Tây Nguyên ký 42 biên bản ghi nhớ với đối tác Hàn Quốc
- Đặt mình vào vị trí Doanh nghiệp để gỡ khó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Ưu tiên mô hình kinh doanh dựa vào tự nhiên
Tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững”.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu và khủng hoảng mất đa dạng sinh học, không còn cách nào khác, cả thế giới và Việt Nam, Chính phủ và cộng đồng DN sẽ phải ưu tiên mạnh mẽ thúc đẩy kinh doanh dựa vào tự nhiên (NbS).
NbS được hiểu là các giải pháp sử dụng các hệ sinh thái và quy trình tự nhiên để giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường. NbS bảo vệ, phục hồi thiên nhiên đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho con người.
Tại phiên tọa đàm “Thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên trong phát triển bền vững doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu Net Zero” ngày 9/8 tại Hà Nội, ông Phạm Hoàng Hải – Phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD, VCCI) nhấn mạnh, với việc triển khai NbS, lợi ích mang lại cho doanh nghiệp là nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu và trách nhiệm của doanh nghiệp với các vấn đề xã hội; tạo ra các giá trị tích hợp, đồng lợi ích; tăng cường quản trị rủi ro và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, thời gian qua, nhiều DN đã đưa ra những sáng kiến cụ thể trong việc dựa vào tự nhiên, gồm các giải pháp sử dụng hệ sinh thái, quy trình tự nhiên, từ đó hướng đến phát triển bền vững (PTBV), đem đến đồng lợi ích cho DN, người dân, nhà khoa học và kinh tế – xã hội đất nước.
Dẫn chứng về doanh nghiệp theo mô hình này, Chủ tịch VBCSD nhắc tới một số DN, trong đó có Công ty CP Công nghệ cao Traphaco (Traphaco CNC) tại Hưng Yên – một thành viên tích cực trong dự án phát triển dược liệu bền vững GreenPlan, thu hái dược liệu theo chuẩn GACP-WHO.
Chia sẻ về dự án này, bà Đào Thúy Hà – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco cho biết, đây là dự án nhằm quy hoạch các vùng trồng dược liệu trên mọi miền tổ quốc Việt Nam để xác định cây dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng và địa lý và kinh nghiệm trồng trọt. Từ đó tạo ra bản đồ dược liệu Việt Nam và đặc biệt thông qua một chuỗi giá trị xanh sử dụng công nghệ xanh, hiện đại, đem đến sản phẩm chất lượng ổn định.
“Dự án GreenPlan nhằm mục tiêu xây dựng các vùng trồng theo tiêu chuẩn GACP của WHO. Tiêu chuẩn này được hiểu nôm na là tạo ra cây dược liệu sạch nhờ việc phối hợp giữa DN với người nông dân với sự hỗ trợ của các nhà khoa học và chính quyền địa phương. Theo đó bà con nông dân sẽ cùng DN tuân thủ các quy trình phát triển dược liệu tại vùng đất hợp về thổ nhưỡng, sử dụng kinh nghiệm của bà con nông dân trong trồng trọt dược liệu.
DN đã đi cùng bà con từ lúc cấp giống cho đến quá trình chăm sóc, ghi chép toàn bộ quá trình phát triển của cây dược liệu cho đến khi thu hái. Với mô hình này, DN có nguồn dược liệu đầu vào ổn định, chất lượng cao, đáp ứng các sản phẩm sản xuất đông dược trên quy mô công nghiệp để các sản phẩm của DN có chất lượng đồng đều, mang lại hiệu quả điều trị”, bà Hà chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Lên – Trưởng thôn Đông Trại, xã Lương Tài, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho biết, trải qua hai năm hợp tác với Traphaco, bà con nơi đây rất phấn khởi. Với việc mở rộng vùng trồng, chuyển đổi cơ cấu cây trộng, thu nhập từ trồng cây dược liệu, cụ thể là cây cúc chi (cúc hoa vàng), đã cải thiện gấp nhiều lần so với trồng lúa.
“Qua hai vụ thu hoa cúc, bà con có thu nhập ổn định và tăng cao. Những năm trước, bình quân thu nhập đầu người chỉ khoảng 40 triệu đồng, nhưng đến năm 2023, bình quân thu nhập đầu người đã tăng lên 71 – 72 triệu đồng”, ông Lên vui mừng nói.
Cũng theo ông Lên, sau khi ký hợp đồng với Traphaco, công ty đã đưa ra những tiêu chí về môi trường rất ngặt nghèo. Từ việc nhận thức được rằng, các sản phẩm dược liệu liên quan đến chăm sóc sức khoẻ nên bà con tuân thủ nghiêm túc yêu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
“Toàn thôn hiện có khoảng 275 hộ, trong đó có 50 hộ trồng cúc chi, nhưng mới chỉ có 13 hộ ký hợp đồng với Traphaco với diện tích trồng khoảng 2,5 ha. Do đó, chúng tôi rất mong muốn được các DN khác liên kết, hợp tác để bà con mở rộng vùng trồng dược liệu cũng như các sản phẩm khác, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Lên bày tỏ.
5 bước thực hiện NbS
Từ những lợi ích của giải pháp NbS, ông Phạm Hoàng Hải – Phụ trách Quan hệ đối tác, Ban Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD, VCCI) cho rằng, tuỳ theo mô hình kinh doanh, tuỳ theo hình thức kinh doanh và mặt hàng kinh doanh của DN, DN có thể thực hiện lồng ghép các giải pháp dựa vào tự nhiên để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh của mình.
Hiện tại trên thế giới đã có yêu cầu, quy định liên quan đến việc lồng ghép chiến lược, giải pháp dựa vào tự nhiên trong chiến lược kinh doanh của DN. Năm 2023, thế giới yêu cầu các báo cáo tài chính cần phải phân bổ các hoạt động để phục hồi thể tự nhiên và hệ sinh thái. Tất cả những điều này được lồng ghép trong báo cáo ESG.
Gợi ý các bước thực hiện NbS cho DN, ông Hải cho rằng, trước hết, DN cần xác định các vấn đề môi trường, xã hội, kinh tế mà doanh nghiệp cần/muốn giải quyết; đánh giá tài nguyên tự nhiên sẵn có, các cơ hội mà hệ sinh thái có thể mang lại. Tiếp theo, xây dựng chiến lược, kế hoạch tích hợp vào chiến lược kinh doanh. Thiết kế các dự án cụ thể nhằm cải thiện, phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái. Sau bước giám sát, đánh giá thực thi, DN cần tăng cường nâng cao nhận thức về lợi ích của các giải pháp NbS trong cộng đồng và nội bộ doanh nghiệp; đào tạo, tập huấn nhân viên, các bên liên quan về phương pháp cũng như lợi ích của NbS.
Cũng nhấn mạnh những lợi ích của mô hình NbS, bà Phạm Thị Cẩm Nhung – Điều phối Chương trình Khí hậu – Năng lượng, WWF – Việt Nam khuyến nghị thiết lập các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho NbS. Cùng với đó cần khai thác tiềm năng của thị trường carbon và chia sẻ lợi ích.
“Cần lồng ghép NbS trong các mô hình kinh doanh bởi NbS là con đường cho phát triển bền vững, trở thành chính sách bao trùm cho Việt Nam và quốc tế”, bà Nhung nêu.
Nguyệt Minh
- Simexco DakLak kỷ niệm 30 năm ngày thành lập
- Xuất nhập khẩu kỳ vọng bứt phá trong năm 2025
- Đà Lạt: Xây dựng điểm trưng bày, đưa 100% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
- Crystal Bay khai trương đường bay trực tiếp Kazakhstan – Phú Quốc trong tháng 10
- Phút hồi hộp chờ Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO