5 doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) là: FPT, Viettel, BKAV, MobiFone và CMC.
- Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khát vọng đưa Đà Nẵng “hoá rồng”
- N.A.P Tours ra mắt chương trình du lịch chuyên đề Yoga Tour tại Đà Lạt
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa chính thức trao giấy chứng nhận đăng ký cho 5 doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) đầu tiên của Việt Nam. Đó là: Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Công ty Cổ phần BKAV, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và Công ty TNHH Tổng Công ty công nghệ và giải pháp CMC.
Sau khi được cấp đăng ký, các tổ chức CeCA có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình đảm bảo tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu và sẵn sàng khả năng kiểm tra, xác thực hợp đồng điện tử.
Bất kỳ lúc nào, người dân, doanh nghiệp sau khi giao kết hợp đồng điện tử cùng bên thứ ba liên quan có thể tra cứu, xác thực hợp đồng điện tử đã được chứng thực qua Cổng tra cứu, xác thực hợp đồng điện tử tại địa chỉ xacthuc.CeCa.gov.vn.
Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết, tuy đã xuất hiện một thời gian dài tại Việt Nam nhưng hợp đồng điện tử vẫn chưa được ứng dụng và sử dụng rộng rãi bởi các doanh nghiệp. Trở ngại liên quan độ xác thực và tin cậy chính là gọng kìm hạn chế sự phát triển của hợp đồng điện tử. Mấu chốt để phát triển và lan tỏa hợp đồng điện tử tại Việt Nam là yếu tố xác thực, đặc biệt là tính xác thực ngay tại thời điểm ký. Từ đó, hợp đồng điện tử không chỉ được công nhận bởi hai bên ký kết mà sẽ được tin tưởng và sử dụng bởi bên thứ ba.
“Việc xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 tổ chức CeCA mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy hợp đồng điện tử phát triển. Đây là bước ngoặt lớn, tạo nền móng hướng tới mục tiêu 50% doanh nghiệp sẽ sử dụng hợp đồng điện tử theo Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số”, ông Hải chia sẻ thêm.
Tại Việt Nam, từ 2019, FPT IS đã tiên phong triển khai mô hình ký kết điện tử FPT.eContract tại Việt Nam ứng dụng cho tất cả các loại hợp đồng, tài liệu, văn bản với hơn 3.000 tổ chức và cá nhân đã và đang thực hiện ký kết trên nền tảng. Đến nay, đã có hơn 1,2 triệu giao dịch được ký kết qua nền tảng, kết nối hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cá nhân là đối tác ký trên toàn quốc.
Là tổ chức CNTT đã và đang cung cấp hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ tối đa việc ký kết điện tử từ nền tảng ký FPT.eContract, chữ ký số FPT.eSign kết hợp cùng các phương thức định danh điện tử eKYC, FPT IS cũng là một trong những đơn vị đầu tiên phối hợp cùng Bộ Công thương tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống.
Đến nay, nền tảng FPT.eContract cũng đã có sẵn chức năng lựa chọn hình thức xác thực với dấu xác thực của Bộ Công Thương, để truyền mã nội dung thông tin qua hệ thống xác thực tài liệu điện tử FPT.CeCA kiểm tra và truyền lên Trục CeCA. Đồng thời FPT cấp Giấy chứng nhận xác thực hợp đồng cho phép bên thứ ba tra cứu, xác thực hợp đồng khi cần đối chiếu. Bên cạnh đó, các tổ chức đã có hệ thống ký kết điện tử có nhu cầu xác thực tính pháp lý cho nội dung hợp đồng, có thể thông qua FPT.CeCA để xác thực với dấu thời gian và chữ ký số của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Tổng Giám đốc FPT IS cho biết, FPT IS tự hào là đơn vị tiên phong về các giải pháp ký kết – xác thực số và là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp đăng ký là Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA). Chúng tôi vinh dự là một phần trong những nỗ lực và hành động quyết liệt nhằm xây dựng và thúc đẩy ứng dụng hợp đồng điện tử đi vào thực tiễn. Chúng tôi cam kết sẽ tuân thủ quy định của pháp luật về chứng thực hợp đồng điện tử khi được cấp đăng ký.
“FPT IS tự tin đồng hành cùng Cục Thương mại điện tử – Bộ Công Thương cũng như các đơn vị CeCA tham gia vào Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam một cách toàn diện, đầy đủ hệ sinh thái công nghệ phục vụ việc ký kết với FPT.eContract, các dịch vụ ký số từ xa remote signing FPT.eSign, định danh người ký eKYC cùng nền tảng điện toán đám mây chuẩn quốc tế”, Tổng Giám đốc FPT IS nhấn mạnh.
- Chuyên gia Lê Văn Liền nhận lời mời làm Cố vấn cấp cao cho Hội Doanh nghiệp Lạc Dương
- Hơn 200 trang phục tơ lụa Bảo Lộc tôn vinh cảnh đẹp Đà Lạt
- Xăng dầu đồng loạt giảm giá mạnh
- Đà Lạt gặp khó trong miễn giảm tiền thuê tài sản công cho doanh nghiệp
- Không gian Cà phê Doanh nhân Lạc Dương hút hồn đối tác Nhật Bản