Ngoài chế tác và mang nhạc cụ dân tộc sáo trúc Việt Nam chinh phục thị trường Nhật Bản, “Chàng trai sáo trúc” Nguyễn Lê Hoàng Nhân (Lâm Đồng) còn đang cùng cộng sự triển khai dự án Đà Lạt Bamboo, tiếp tục mang những sản phẩm làm từ tre nứa, thân thiện với môi trường, đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
- Top 5 điểm đến hấp dẫn Đà Lạt dịp lễ 30/4 và 1/5
- Dương Thị Hạnh – Nữ doanh nhân với sứ mệnh kết nối
- Công ty TNHH Vĩnh Tiến: 27 năm hình thành và phát triển
- Đề xuất thí điểm nhiều mô hình kinh tế đêm để thu hút khách tới Đà Lạt
Lâu nay, Nguyễn Lê Hoàng Nhân được biết đến với biệt danh là “Chàng trai sáo trúc” vì có đam mê loại nhạc này từ nhỏ và chơi sáo rất hay. Khi bước chân vào giảng đường đại học, anh là thành viên sáng lập Câu lạc bộ Sáo trúc Trường Đại học Đà Lạt. Khi ra trường, anh khởi nghiệp với dự án sáo trúc và hiện là Founder của thương hiệu “Sáo trúc Hoàng Nhân”.
Mới đây, anh cùng các cộng sự tiếp tục bắt tay vào dự án mới cũng liên quan đến tre nứa Việt, đó là dự án Đà Lạt Bamboo, chuyên sản xuất ra các loại vật dụng hàng ngày từ tre nứa, như: Ống hút, bàn chải đánh răng, thìa, muổng, hộp trà, ly cốc… với mong muốn nâng tầm giá trị của tre Việt, cũng như góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Tuy mới tung ra thị trường được khoảng 4 tháng nay, nhưng các sản phẩm của Đà Lạt Bamboo luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Và đó là niềm khích lệ, động viên để các bạn trẻ có cùng chung niềm đam mê sáng tạo, gắn trách nhiệm bảo vệ cuộc sống xanh, giảm thiểu rác thải nhựa, đã tạo ra sự lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng.
Nói về cơ duyên bắt tay vào sản xuất các vật dụng hàng ngày bằng tre nứa, Hoàng Nhân tâm sự, trong một lần tình cờ, mình bắt gặp hình ảnh một nhóm tình nguyện viên phải dùng kềm rút ống hút nhựa ra khỏi mũi một chú rùa biển, khiến anh cảm thấy rất đau lòng, vì thấy rằng, những rác thải do con người tạo ra và sử dụng, đang để lại hậu quả nặng nề cho môi trường, thiên nhiên. Từ đó, anh ấp ủ ước mơ góp một phần công sức của mình vào việc chung tay bảo vệ môi trường.
“Bên cạnh đó, mình thấy rằng Việt Nam có ưu thế là một trong số ít nước trên thế giới có nguồn tre nứa dồi dào. Trong đó, Lâm Đồng nơi mình sinh sống, học tập và làm việc là vựa tre nứa của cả nước. Từ đó, mình nảy ra ý tưởng khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương và nâng tầm giá trị cho cây tre, cây nứa của quê hương. Thế là dự án Đà Lạt Bamboo đã ra đời và được sự ủng hộ, chung tay của các bạn trẻ chung đam mê cùng thực hiện”, Hoàng Nhân chia sẻ.
Cũng theo “Chàng trai Sáo trúc”, trong quá trình sáng chế những cây sáo trúc ưng ý nhất cho mình và những người cùng đam mê loại hình nhạc cụ dân tộc độc đáo này, anh cũng tận dụng được phần ngọn cây tre nứa để làm ống hút, tận dụng thân, gốc làm các sản phẩm như hộp trà, ly cốc, bàn chải đánh răng, thìa, muổng… gần gũi với cuộc sống thường nhật.
Để làm ra được các vật dụng từ tre nứa, Hoàng Nhân cùng các cộng sự phải trải qua rất nhiều công đoạn và cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, công kỷ chẳng kém chế tác sáo trúc. Đầu tiên là phải khai thác tre nứa từ vùng nguyên liệu đưa về nhà máy sản xuất; luộc để khử giảm bớt mùi tre nứa; chọn lọc ra những cây tre đủ chuẩn, mang phơi nắng cho khô tự nhiên. Sau đó cắt thành từng đoạn theo kích thước của sản phẩm; chà nhám; làm bóng miệng; luộc, vệ sinh bằng nước muối sinh học; ống được hấp tiệt trùng, hấp tinh dầu để chống ẩm mốc và sấy khô theo tiêu chuẩn Châu Âu, đóng thùng rồi mới chuyển vào kho hàng của Đà Lạt Bamboo.
Bên cạnh đó, để đạt tiêu chí xanh – sạch và an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, sản phẩm Đà Lạt Bamboo không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất mà kết hợp với các giảng viên, sinh viên Khoa Hóa – Sinh, Trường Đại học Đà Lạt để tìm ra quy trình ưu việt, chất lượng nhất.
Đặc biệt, ống hút tre của Đà Lạt Bamboo được làm sạch cẩn thận bằng nước muối sinh học và luộc loại bỏ các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại. Trước khi đưa ra thị trường, ống hút tre được kiểm tra nồng độ SO2; để được cấp giấy chứng nhận đủ chuẩn xuất đi nước ngoài, đặc biệt là thị trường khó tính Đức, Nhật Bản và đang làm việc với các đối tác để xuất khẩu sang Úc.
Giá thành của ống hút tre Đà Lạt Bamboo cũng rất hợp lý, giá bán lẻ chỉ 2.000-4.000 đồng/ống. Ống hút còn có hộp bảo quản an toàn với thiết kế sắc nét, tinh tế và Đà Lạt Bamboo còn nhận khắc tên doanh nghiệp, nhà hàng, quán café… theo yêu cầu.
Một tiện ích nữa, đó là ống hút tre được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có khả năng tái sử dụng nhiều lần trong khoảng 6 tuần, rất thân thiện với môi trường cũng như người sử dụng và gần như không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ của đồ uống.
Độ bền của ống hút tre phụ thuộc vào cách bảo quản của người dùng. Do đó, khi dùng xong nên rửa sạch, phơi ráo, để nơi thoáng mát, tránh ẩm mốc, hoặc bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ống hút có dấu hiệu mốc hoặc màu ngả vàng, đó là báo hiệu tuổi thọ của ống hút đã hết, không thể tiếp tục sử dụng.
Chia sẻ với chúng tôi, Founder của Đà Lạt Bamboo cho biết, dự án khởi nghiệp này của anh thuận lợi cũng nhiều, mà khó khăn cũng không ít. Theo anh, do sản phẩm làm từ chất liệu tự nhiên, nên giá thành vẫn còn cao hơn so với các sản phẩm từ nhựa công nghiệp. Điều này kết hợp với sản phẩm còn mới nên việc tiếp cận với khách hàng đại chúng còn khá khó khăn. Cạnh đó, dự án còn non trẻ, hầu hết thành viên đều là đoàn viên thanh niên, nên chưa có kinh nghiệm trong quản lý, Marketing để đưa sản phẩm đến với thị trường.
“Điều quan trọng nữa là máy móc để làm các sản phẩm tre nứa gần như không có sẵn mà phải tự chế, nên Đà Lạt Bamboo mất nhiều thời gian nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp. Hiện cộng sự của mình đang cố gắng cải thiện máy móc để giảm công lao động, từ đó các sản phẩm làm ra sẽ có giá thành tốt hơn. Vì mục tiêu của mình là mang sản phẩm đến với từng gia đình, từng người dân để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường”, Hoàng Nhân chia sẻ.
Tuy quá trình khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gập ghềnh, nhưng Hoàng Nhân và các cộng sự đã lần lượt vượt qua các “chướng ngại vật”, để gặt hái được những thành công bước đầu. Điều này thể hiện qua việc đến nay, Đà Lạt Bamboo đã đa dạng sản phẩm với hơn 10 mặt hàng; đã có xưởng sản xuất quy mô bài bản đặt tại xã Tà Hine (huyện Đức Trọng); Sản phẩm được bày bán cùng với Sáo trúc Hoàng Nhân ở huyện Cát Tiên, các chi nhánh ở TP. Đà Lạt và bán online. Mỗi tháng có hơn 5.000 ống hút tre và 400 sản phẩm khác được xuất bán, doanh thu đạt 40-60 triệu.
Và theo “Chàng trai sáo trúc”, điều để các bạn trẻ quyết tâm theo đuổi đến cùng dự án, là có thể tạo công ăn việc làm cho người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, giúp họ tặng thu nhập, ổn định cuộc sống, từ việc trồng và khai thác tre nứa để làm các vật dụng hàng ngày, thay vì chỉ để lấy măng như trước đây.
“Điều đáng mừng hơn là nhiều khách hàng ở Đức, Úc, Nhật cũng đã tìm đến cửa hàng online của Đà Lạt Bamboo để đặt mua những sản phẩm được làm từ tre nứa Việt rất thân thiện với môi trường và không kém phần tinh xảo này. Đó là niềm khích lệ để mình cùng các cộng sự tiếp tục thực hiện dự án khởi nghiệp từ tre nứa, nhằm nâng cao giá trị, nâng tầm tre nứa Việt và hướng đến một cuộc sống xanh – sạch và an toàn”, Hoàng Nhân chia sẻ.
Tâm An
- Vincom tưng bừng lễ hội Trung thu “Moon Malliday – Tùng dinh dinh, linh đình phá cỗ”
- Simexco DakLak giành “cú đúp” giải thưởng Doanh nghiệp châu Á 2023
- Ga Đà Lạt sẽ được ‘làm mới’ để phục vụ du khách
- Công ty TNHH Quảng Thái: Nâng tầm thương hiệu đặc sản Đà Lạt
- Hé lộ dàn CAST phim điện ảnh “Cô gái từ quá khứ”