Ngày 8/9 tại TP Đà Lạt, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chuyển đổi số cho hơn 100 doanh nghiệp tham gia.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Người giàu nhất thế giới hiện có bao nhiêu Tiền?
- Công ty Viên Sơn và “bí kíp” mang khoai lang chinh phục người Nhật
- Đắk Nông đăng cai “hội nghị bàn tròn” TP Hồ Chí Minh – Tây Nguyên
- Simexco Daklak ghi dấu cột mốc 30 năm phát triển bằng chuỗi hoạt động vì cộng đồng
Theo ông Nguyễn Văn Thân – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Chuyển đổi số (Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng), chuyển đổi số không còn là nhu cầu mà là điều bắt buộc không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chính mỗi cá nhân.
Chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính căn bản về công nghệ và tâm lý, tạo ra sự đột phá và chuyển đổi quy trình cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, xã hội. Chuyển đổi số được hiểu theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả các hoạt động chuyển đổi con người, nhận thức và chuyển đổi doanh nghiệp. Trong đó, số hóa thông tin và số hóa quy trình sẽ là một phần để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
“Các hoạt động trên giúp đẩy mạnh phát triển tự động hóa, nhà máy thông minh. Quá trình sản xuất, kinh doanh được bỏ qua các khâu trung gian tốn chi phí và cho phép con người kiểm soát hệ thống tại bất cứ đâu với mức độ chính xác cao hơn, không bị giới hạn về không gian, thời gian”, ông Thân nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng chỉ ra 3 mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp: đầu tiên và đơn giản nhất là số hóa dữ liệu doanh nghiệp; tiếp theo là thay đổi cách vận hành và quản trị doanh nghiệp; mức cao nhất là thay đổi mô hình kinh doanh mới, chuẩn doanh nghiệp 4.0.
Theo một nghiên cứu được đưa ra bởi công ty phần mềm SAP, 92% các nhà lãnh đạo cho rằng các biện pháp, chiến lược chuyển đổi thành công sẽ cải thiện trải nghiệm tổng thể của khách hàng. Nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng liên tục thay đổi và ngày càng tăng cao. Khách hàng giờ đây có quá nhiều lựa chọn tương tự với mức giá phải chăng.
Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp quản lý thông tin và khai thác tài nguyên tốt hơn. Bởi vì bất kỳ một doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều có một lượng thông tin khổng lồ từ nội bộ hay phát sinh từ khách hàng, đối tác, hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị doanh nghiệp. Cải thiện năng suất của nhân viên và toàn bộ công ty. Việc ứng dụng các công nghệ số, tập trung và khai thác dữ liệu tốt hơn, giúp từng nhân viên trong công ty có thể giảm thiểu được thời gian lãng phí, tập trung vào các công việc mang lại hiệu quả cao hơn.
Chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động tác nghiệp trong và ngoài phòng ban; mang lại sự linh hoạt của doanh nghiệp; tăng cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận.
“Khi đó nhân viên sẽ cởi mở hơn với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức và quy trình hoạt động. Họ không ngại thử thách, thử nghiệm các sáng kiến, ý tưởng mới, dám nói lên suy nghĩ của mình. Mỗi cá nhân đều có tinh thần như vậy sẽ duy trì tổ chức luôn vận động, phát triển và không ngừng học hỏi, tiếp cận điều mới, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức”, chuyên gia chuyển đổi số của Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng chia sẻ.
Cũng tại chương trình, Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng đã giới thiệu về Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 80.
Ngày 22/9 tới đây, một chương trình tương tự cũng sẽ được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại TP Bảo Lộc để phục vụ cho các doanh nghiệp phía Nam của tỉnh. Doanh nghiệp tham gia được hỗ trợ sử dụng miễn phí 1 năm phần mềm AMIS (văn phòng số, giải pháp vận hành tối ưu cho doanh nghiệp) trị giá 100 triệu đồng của MISA và một số ưu đãi chuyển đổi số doanh nghiệp từ MobiFone.
Viên Hữu