Taxi Việt Đức khẳng định không chèn ép lái xe

Trước thông tin lan truyền cho rằng taxi Việt Đức “chèn ép” lái xe sau khi thanh lý hợp đồng, đại diện hãng khẳng định không có việc này mà đang thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng đã ký kết, tuân thủ các quy định hiện hành.

Thời gian gần đây, có thông tin cho rằng, một số chủ xe đồng thời là lái xe taxi Việt Đức (Đắk Nông), sau khi thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH TMDV Vận tải Việt Đức (đơn vị chủ quản taxi Việt Đức) đã bị công ty “chèn ép”, khiến cuộc sống rơi vào tình cảnh khó khăn.

Trụ sở taxi Việt Đức tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Thông tin này phản ánh, có lái xe sau khi thanh lý hợp đồng đã trả lại phù hiệu taxi Việt Đức cho công ty gần 1 tháng, nhưng công ty chưa nộp lại phù hiệu về Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Nông, nên xe phải “trùm mền”. Vì xe biển số vàng (xe dịch vụ), đăng ký chạy taxi, nếu không có phù hiệu xe chạy ra đường sẽ bị phạt.

Bên cạnh đó, có lái xe lại cho rằng khi ký hợp đồng, công ty không gọi họ về văn phòng mà cử nhân viên đưa hợp đồng tới ký trong lúc đang chạy xe, nên không đọc rõ các nội dung cam kết.

Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này, bà Khổng Thị Chúc Quyên – Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vận tải Việt Đức (taxi Việt Đức), cho biết đã nhận được thông tin và có văn bản phản hồi gửi đến cơ quan báo chí, ngành chức năng để khẳng định hoàn toàn không có những việc này.

Theo Giám đốc taxi Việt Đức, có 2 lái xe được dẫn lời trong bài viết. Trong đó, anh T.X.T ký hợp đồng với công ty ngày 1/10/2021, đến ngày 29/8/2023, thanh lý hợp đồng. Anh L.V.H ký hợp đồng ngày 01/10/2021, đến ngày 30/8/2023, đề nghị thanh lý hợp đồng.

Cả 2 lái xe này đều có hợp đồng liên kết hợp tác với công ty trong thời hạn 2 năm, với điều khoản tự động gia hạn thêm 1 năm nếu hai bên không có ý kiến thay đổi hay chấm dứt hợp đồng. Như vậy, cả hai lái xe này đều chủ động xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Tại khoản 3, Điều V quy định về điều khoản kết thúc hợp đồng liên kết, ghi rõ: “khi bên B – tài xế – muốn hủy hợp đồng phải có đơn gửi bên A trước 3 tháng khi xe đang còn hoạt động, để công ty có phương án cho hoạt động tiếp theo”.

Đây là thời gian để công ty báo cáo biến động số đầu xe hoạt động với cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước về vận tải. Đồng thời cũng để rà soát các vi nhạm giao thông (nếu có) của tài xế trong quá trình hoạt động (bị ghi hình, phạt nguội…).

“Như vậy, với thời gian chưa đến 1 tháng như nội dung thông tin đăng tải, công ty chưa nộp phù hiệu taxi về Sở Giao thông Vận tải là điều dễ hiểu và hoàn toàn đúng với hợp đồng hai bên đã ký kết”, Giám đốc taxi Việt Đức khẳng định.

Đại diện hãng taxi hoạt động tại Đắk Nông từ năm 2015 cũng cho rằng, kinh doanh vận tải taxi là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có rất nhiều quy định phải chấp hành trong quá trình hoạt động nhằm bảo đảm quyền lợi cho tài xế, cũng như của công ty và khách hàng. Vì vậy, dù rất muốn tạo điều kiện cho tài xế nhưng công ty cũng không thể bỏ qua các quy định hiện hành.

Còn về thông tin ký hợp đồng khi lái xe đang chạy xe khiến họ không đọc rõ các cam kết của hợp đồng, Giám đốc taxi Việt Đức khẳng định điều này không thể xảy ra, vì công ty có hàng trăm đầu xe – lái xe, hoạt động trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, nên không thể nào cử nhân viên đi tìm tài xế để ký hợp đồng. Lái xe có phương tiện, chúng tôi có văn phòng ngay tại trung tâm thành phố, việc ký kết tại văn phòng sẽ thuận tiện hơn cho công ty và lái xe rất nhiều.

Bà Khổng Thị Chúc Quyên cũng cho biết, là doanh nghiệp đã hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lâu năm, mới vượt qua khủng hoảng của đại dịch, công ty luôn nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật và nỗ lực hoạt động kinh doanh, tạo việc làm và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cộng đồng.

Taxi Việt Đức thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi với các lái xe liên kết.

Viên Hữu

Doanh nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *