50 doanh nghiệp đến từ Ấn Độ chia thành 3 đoàn đã khảo sát thực tế một số ngành hàng chủ lực, các khu điểm du lịch, trung tâm ứng dụng công nghệ và một số dự án kêu gọi đầu tư… trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.
- Thành phố sáng tạo không chỉ là danh hiệu
- Lâm Đồng kích cầu du lịch dịp lễ Quốc khánh 2/9
- Ấn Độ thuộc Top 10 thị trường khách quốc tế đến Lâm Đồng
- Truyền thông thương hiệu góp phần phát triển và định vị Doanh nghiệp
- Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản: Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương
Ngày 30/8, trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ, tổ chức tại Đà Lạt, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch (XTĐTTM&DL) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 3 đoàn khảo sát thực tế để doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đoàn thứ nhất tiến hành khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp sản xuất, thương mại chuyên về các sản phẩm hoa, tơ lụa, cà phê, trà olong tại huyện Đức Trọng, Lâm Hà và TP Đà Lạt.
Đoàn thứ 2, khảo sát các khu, điểm du lịch nổi tiếng, như: Thung lũng tình yêu, Rừng hoa Đà Lạt, Samten Hills Dalat và thực địa một số dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn TP Đà Lạt, như: Khu du lịch hồ Prenn; khu A, B, C – Công viên Trần Quốc Toản; dự án 150 ha – Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Đoàn thứ 3, khảo sát một số doanh nghiệp và trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh tại TP Đà Lạt, như: Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist), Trường Đại học Đà Lạt.
Theo ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Lâm Đồng, việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp Ấn Độ khảo sát thực tế nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh và một số dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm của tỉnh.
Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ, diễn ra trong 2 ngày 30-31/8, tại TP Đà Lạt, do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Sáng mai (31/8), tại Hội trường Tỉnh uỷ Lâm Đồng, sẽ diễn ra chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương.
Tại đây, doanh nghiệp Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương, sản phẩm OCOP. Đặc biệt là sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của tỉnh Lâm Đồng.
“Điểm nhấn” của chương trình là các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ sẽ giới thiệu, tìm hiểu, kết nối B2B, đàm phán và ký kết các thoả thuận hợp tác kết nối thương mại, du lịch.
Chiều 31/8, sẽ diễn ra phiên chính thức của Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ. Tại đây, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên sẽ giới thiệu tiềm năng và nhu cầu hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp 2 nước sẽ giới thiệu khả năng, nhu cầu hợp tác và ký kết hợp tác giữa các bên.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Lâm Đồng, hội nghị nhằm cụ thể hóa chính sách thúc đẩy quan hệ song phương không ngừng phát triển toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ; tăng cường quan hệ song phương về thương mại, kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam – Ấn Độ nói chung, tỉnh Lâm Đồng – Ấn Độ nói riêng.
Đồng thời, thúc đẩy cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Ấn Độ. Tạo cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, phát triển tour – tuyến du lịch giữa doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng với các doanh nghiệp Ấn Độ.
Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh và một số dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm của Lâm Đồng cũng như các tỉnh Tây Nguyên tới các nhà đầu tư Ấn Độ.
“Thông qua hội nghị, tỉnh Lâm Đồng cũng mong muốn giới thiệu và quảng bá đến các doanh nghiệp, nhà phân phối Ấn Độ về các sản phẩm mang thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, sản phẩm OCOP… Qua đó, giúp các doanh nghiệp, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng và tránh được sự nhầm lẫn giữa các sản phẩm cùng loại”, ông Dương Quốc Anh cho biết thêm.
Viên Hữu
- Số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn khiêm tốn
- Tỷ phú Narayana Murthy chỉ ra 3 điều quan trọng giúp doanh nghiệp thành công
- Đèo Prenn Đà Lạt: Thông xe kỹ thuật toàn tuyến, vận hành 3km đầu tiên
- Homestay Đà Lạt nào đủ điều kiện kinh doanh?
- Ông Trần Đình Long: Hòa Phát sẽ lọt Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới