Chính niềm đam mê thổi sáo từ thuở ấu thơ đã thôi thúc chàng trai 9X Nguyễn Lê Hoàng Nhân mày mò chế tác sáo trúc và đưa loại nhạc cụ dân tộc này đến với đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Người sáng lập thương hiệu Sáo trúc Hoàng Nhân (Lâm Đồng) đã có những chia sẻ thú vị về quá trình khởi nghiệp của mình.
- Dương Thị Hạnh – Nữ doanh nhân với sứ mệnh kết nối
- Sản vật Nam Tây Nguyên hội tụ tại Tuần lễ Vàng du lịch Lâm Đồng 2023
- “Chàng trai Sáo trúc” Nguyễn Lê Hoàng Nhân và khát vọng nâng tầm tre Việt
- Đà Lạt tham vấn chuyên gia để ứng cử mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO
Chào Hoàng Nhân! Anh có thể “bật mí” cơ duyên nào đã đưa mình đến với sáo trúc?
Anh Nguyễn Lê Hoàng Nhân: Mình bắt đầu tiếp xúc với cây sáo từ những ngày tháng còn là học sinh Tiểu học, tự tìm tòi học trên mạng, bạn bè. Ban đầu, mình loay hoay với cây sáo mẹ mua cho khoảng vài chục nghìn đồng ở nhà sách. Tuy nhiên, cây sáo đó chỉ là cây sáo dùng để trưng bày chứ không dùng để chơi chuyên nghiệp, vì vậy mình mất khoảng thời gian khá dài để luyện tập thổi sáo nhưng không tiến bộ là mấy.
Lên cấp 3, mình dành dụm được một khoản tiền nho và quyết định mua một cây sáo tốt từ một nghệ nhân ở tận Hà Nội. Đúng là “tiền nào của nấy” và nhờ được chế tác từ tâm huyết của nghệ nhân chuyên nghiệp nên sáo có thanh âm rất chuẩn, khi réo rắt, khi khoan thai, trầm bổng rất hay. Nhờ đó, việc luyện tập được “lên tay” và tiếng sáo của tôi được nhiều người yêu mến.
Từ đó, mình mới thấy được tầm quan trọng đặc biệt của việc có được một cây sáo chuẩn, hay sẽ tác động rất lớn đến việc học thổi sáo. Để rồi mình bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về bộ môn sáo trúc, tìm tòi các nguồn tài liệu, học hỏi thêm ở các nghệ sĩ, nghệ nhân, để đúc kết, rèn luyện và mày mò chế tác loại nhạc cụ dân tộc độc đáo này.
Theo anh chơi sáo và chế tác sáo việc nào khó hơn?
Theo mình, học sáo và chế tác sáo trúc đều khó. Bởi sáo trúc được đánh giá là một trong những nhạc cụ thuộc bộ hơi khó chơi nhất, cũng bởi một phần đây là một loại nhạc cụ truyền thống, khác với Ghi-ta hay Organ…
Song có lẽ việc chế tác sáo trúc khó hơn. Bởi vì khi nói đến chế tác nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ dân tộc, thì không thể cứ cầm lên và chế tác thì sẽ tạo ra được sản phẩm tốt, mà phải trải qua quá trình gian nan, rèn giũa, thành bại, vui buồn cùng nhạc cụ.
Ngoài năng khiếu thiên bẩm, đòi hỏi người nghệ nhân cần có sự tỉ mẩn và kỳ công, cộng với niềm đam mê rất lớn. Nói một cách “hoa mỹ” đó là cần có sự thấu hiểu và tình yêu đủ lớn mới có thể thổi hồn mình vào để biến một thanh trúc, thanh nứa trở thành nhạc cụ dân tộc sáo trúc.
Vậy đâu là yếu tố quyết định chất lượng của một cây sáo trúc, thưa anh?
Chế tác nhạc cụ dân tộc là một trong những nghề đòi hỏi người nghệ nhân phải thực sự am hiểu về bộ môn đó, bởi mỗi sản phẩm được chế tác ra phải gửi gắm được tinh hoa, cốt cách, tâm hồn và tình yêu của người chế tác trong từng sản phẩm.
Để chế tác ra một cây sáo trúc, cần phải có những kiến thức nhất định về bộ môn này, chẳng hạn như: Phải biết được thế nào là cây sáo đạt chuẩn, thế nào là cây sáo hay? Phải nắm rõ các yếu tố quyết định đến chất lượng cây sáo như nguyên liệu, cách xử lý nguyên liệu, thang âm trên cây sáo… Bên cạnh đó, phải có một đôi bàn tay khéo léo và đặc biệt là một đôi tai nhạy bén, cảm âm tốt để biết được cây sáo đó cao độ, độ trong, thanh đã hay chưa…
Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, đã có những loại máy móc ra đời giúp người nghệ nhân đo thang âm trên sáo dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để giữ được “cái hồn” cho cây sáo thì cảm nhận âm thanh từ đôi tai người nghệ nhân vẫn đóng vai trò cốt lõi.
Quy trình làm sáo khá phức tạp, từ khâu chọn nguyên liệu đến xử lý phần thô. Nguyên liệu được mình lựa chọn là những cây trúc, cây nứa thẳng, có độ già vừa phải. Nếu mua nguyên liệu tươi phải phơi ống trúc, nứa nơi khô ráo, tránh ánh nắng gắt.
Thanh nứa, trúc sau khi xử lý được đo đạc cẩn thận theo thông số để xác định tone cho cây sáo. Tiếp đó, định hình khoảng cách của các lỗ bấm, lỗ thổi, lỗ định âm sao cho phù hợp với tone sáo. Đối với mỗi tone sáo lại có thông số kỹ thuật, cách chọn nứa, trúc kích thước khác nhau.
Để được một cây sáo chuẩn phải trải qua quá trình chỉnh âm khắt khe. Ở công đoạn này, người chế tác vừa dùng tai để cảm âm, vừa dùng máy đo âm thanh chuyên dụng để chỉnh lại lỗ bấm hoặc lỗ thổi. Công đoạn cuối cùng là trang trí cho cây sáo bằng cách đánh bóng bằng giấy nhám, cùng với những hoa văn đặc sắc, tinh tế….
Hiện nay, công nghệ cho phép sản xuất số lượng sáo lớn trong ngày nhưng mình nghĩ, một cây sáo làm từ máy sẽ không có chất âm bay bổng và có “hồn” như cây sáo làm thủ công. Vì thế, mình vẫn trung thành với phương pháp làm sáo thủ công, trau chuốt và tỉ mỉ trong từng khâu chế tác từ chọn trúc cho đến đục lỗ.
Chơi sáo, chế tác sáo để chia sẻ với những người cùng đam mê là một chuyện, còn để khởi nghiệp kinh doanh sáo trúc lại là một việc khác phải không anh?
Đúng vậy. Khi chơi sáo, chế tác sáo mình như một người nghệ nhân. Còn khi bắt tay vào việc kinh doanh lại là một lĩnh vực hoàn toàn khác. Nhưng theo mình, cả hai đều cần có sự đam mê. Chính đam mê đã giúp Sáo trúc Hoàng Nhân khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Năm 2017, khi đang học năm nhất Đại học Đà Lạt, mình lập Dự án khởi nghiệp từ sáo trúc, vì niềm đam mê muốn giữ gìn, phát huy nhạc cụ dân tộc. Mình lặn lội tìm đến các cánh rừng ở các huyện và biết rằng ở Lâm Đồng có nguồn nguyên liệu dồi dào, phù hợp để làm sáo, nên quyết tâm khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Đó cũng là “bước ngoặt” đánh dấu sự ra đời của thương hiệu Sáo trúc Hoàng Nhân. Lúc đầu mình mang sáo trúc do chính mình chế tác đến các cửa hàng nhạc cụ ở TP. Đà Lạt để gửi bán, nhưng không được chấp nhận, do họ chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Không bỏ cuộc, quay trở về, mình tiếp tục nghiên cứu tìm ra cách chế tác ra cây sáo hay và độc đáo nhất, lặn lội tìm đến các nghệ nhân, nghệ sĩ để được học hỏi kinh nghiệm, kết hợp chuyển sang kinh doanh online.
Một năm sau, mình bắt đầu nhận được sự tin tưởng từ người chơi, mỗi tháng bán được trên 200 cây sáo trúc từ các cửa hàng nhạc cụ và bán online. Đặc biệt, năm 2019, Sáo trúc Hoàng Nhân của mình còn “xuất khẩu” được cả sang thị trường Nhật Bản.
Lúc đầu, một nhóm người Việt Nam lao động ở “Xứ sở mặt trời mọc” đặt mua online, sau đó thấy sáo đạt chất lượng, kiểu sáng tinh tế, nên họ giới thiệu một số bạn bè người Nhật đặt mua. Đó cũng kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình, vì thông qua sản phẩm sáo trúc, mình có thể quảng bá nét đẹp văn hoá đậm đà bản sắc Việt, xen lẫn niềm tự hào với bạn bè thế giới. Và cho đến nay việc xuất bán sáo trúc sang Nhật vẫn duy trì ổn định.
Hiện bên cạnh công tác tại Văn phòng UBND huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), mình còn có một Cơ sở kinh doanh Sáo trúc Hoàng Nhân tại địa phương. Ngoài giờ hành chính, mình tranh thủ chế tác sáo. Đồng thời nhiệt tình hỗ trợ các bạn trẻ có chung niềm đam mê, hướng dẫn các bạn chế tác sáo trúc, hỗ trợ đầu ra cho các bạn… Bên cạnh đó, mình còn thu hút các cộng sự là sinh viên Đại học Đà Lạt làm “cánh tay nối dài” góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy loại hình nhạc cụ dân tộc này.
Với mình, việc kinh doanh sáo trúc không chỉ đơn thuần là cung cấp những sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp nhất đến tận tay khách hàng mà còn kèm theo những dịch vụ chăm sóc khách hàng sau khi bán.
Với phương châm không ngừng phát triển, luôn tiến về phía trước dựa trên những nền tảng công nghệ hiện đại, Sáo trúc Hoàng Nhân cho ra đời hàng loạt các hệ sáo DL, HN1, HN2, HN3 và cao nhất là hệ Luxury tương đương các mức giá từ thấp đến cao, được sản xuất chủ yếu từ nguyên liệu chính là trúc và nứa.
Tuy có sự phân hệ nhưng dù bạn đang sở hữu cây sáo nào của Sáo trúc Hoàng Nhân thì bạn đều có thể yên tâm về cao độ âm thanh, đặc điểm đặc trưng của mỗi hệ sáo. Mỗi sản phẩm của Sáo trúc Hoàng Nhân đều được chính tay mình chế tác, chỉnh sửa kỹ lưỡng, trau chuốt trên từng sản phẩm. Bên cạnh đó đều có thẻ bảo hành, tem bảo hành và được bảo hành 1 đổi 1 trọn đời cho chất lượng âm thanh cây sáo.
Bên cạnh đam mê chơi sáo, chế tác sáo và kinh doanh sáo, anh còn tham gia thành lập các câu lạc bộ sáo trúc để truyền lửa đam mê loại nhạc cụ dân tộc này đến các bạn trẻ, anh có thể chia sẻ thêm về những dự định sắp tới?
Trong những năm tháng gắn bó với sáo trúc, mình đã cùng các cộng sự thành lập 2 câu lạc bộ (CLB) sáo trúc, là: CLB Sáo trúc Đại học Đà Lạt (DLU) và CLB Sáo trúc Hoàng Nhân (hoạt động Online).
Có lẽ, người mình luôn trân trọng và hàm ân, đó chính là thầy giáo Phan Tuấn Anh, Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Đà Lạt đã luôn sát cánh, đồng hành và dìu dắt mình trên những bước đi đầu tiên. Nhờ sự động viên và uỷ thác của thầy, mình đã đảm nhiệm vai trò “thủ lĩnh” CLB Sáo trúc DLU, vào năm 2018, với sự tham gia của hơn 40 thành viên chính thức và 30 bạn cộng tác viên.
Đây thực sự là “sân chơi” kết nối các bạn sinh viên có chung niềm đam mê sáo trúc, góp phần giữ gìn và lan tỏa loại hình nhạc cụ truyền thống dân tộc Việt Nam, đưa sáo trúc đến gần hơn với giới trẻ. CLB hoạt động dựa trên 3 nội dung chính, gồm: Giao lưu, học về bộ môn sáo trúc; Hoạt động tình nguyện, hội đoàn thể như văn nghệ, môi trường; Giúp các bạn sinh viên có thêm kiến thức, kỹ năng đoàn, hội và vốn sống…
Sau khi ra trường, tháng 8/2020, mình thành lập CLB Sáo trúc Hoàng Nhân (hoạt động Online), thu hút trên 100 thành viên tham gia, với mục đích kết nối các bạn trẻ có chung niềm đam mê sáo trúc trên cả nước. Tại đây, các bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi về nhạc cụ sáo trúc, như: Kỹ năng cơ bản dành cho người mới chơi sáo trúc, làm thế nào để chơi sáo hay, cách thức chế tác sáo trúc…
Với nhiệt huyết tuổi trẻ và sức mạnh đoàn kết của “ngôi nhà chung” Sáo trúc Hoàng Nhân, hy vọng tiếng sáo, cây sáo sẽ ngày càng lan toả mạnh mẽ và kết nối rộng rãi hơn nữa những bạn trẻ có chung niềm đam mê, vươn ra tầm thế giới, góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy loại hình nhạc cụ dân tộc đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam.
Ngoài ra, mình đang ấp ủ phát triển Dự án sản xuất các sản phẩm ống hút, ly cốc, bàn chải từ tre, nứa… để thay thế các sản phẩm làm từ nhựa. Chẳng hạn như, tận dụng được nguyên liệu từ việc làm sáo (cây tre, nứa), phần gốc làm ly cốc, phần giữa làm sáo, phần ngọn làm ống hút… Qua đó, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Tâm An (thực hiện)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: ‘Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả’
- Lãnh đạo nhiều Công ty tỷ đô toàn cầu sắp hội tụ tại Việt Nam
- Đắk Lắk chọn Công ty Truyền thông sự kiện PRO là đơn vị Truyền thông Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2023
- Lâm Đồng đốc thúc tiến độ để khởi công 2 dự án cao tốc trọng điểm
- Nâng tầm quan hệ hợp tác hữu nghị Lạc Dương – Yachiyo