“Mimosa từ đâu em tới, mimosa vì sao em tới đất này. Đà Lạt đồi núi trập trùng, Đà Lạt trời mây nước mênh mông…”. Lời bài hát cứ ngân nga trong tôi mỗi dịp mimosa nở.
- Khoai lang Viên Sơn… “vươn xa”
- Đặc sản Atiso Đà Lạt nhận kỷ lục châu Á
- Về Đam Rông ăn dứa mật, uống trà trầm
- Simexco Daklak ghi dấu cột mốc 30 năm phát triển bằng chuỗi hoạt động vì cộng đồng
Năm nay, mưa thuận gió hòa nên mimosa nở đẹp đến nao lòng. Cả Đà Lạt vàng rực, như “nàng sơn cước” lộng lẫy trong bộ váy áo vàng rực, quyến rũ lạ kỳ!
Sự tích kể rằng, thuở xưa, ở nước Úc (Australia) tươi đẹp, có đôi trai tài gái sắc yêu nhau say đắm, thề sống với nhau trọn đời. Chàng là con ngư dân nghèo, thân hình vạm vỡ, da ngăm đen, thông minh, tài giỏi nhất vùng. Nàng là con nhà quý tộc giàu sang, da trắng, tóc vàng, cực kỳ xinh đẹp và nhân hậu. Nhưng rồi, cha mẹ nàng lại ép nàng lấy vị bá tước quyền quý.
Sau bao lần cự tuyệt không thành, nàng đành buông xuôi số phận. Được tin nàng sắp lên xe hoa, chàng lặng lẽ lên vùng núi làm nghề gác rừng để cố quên mối tình tuyệt vọng. Một ngày nọ, trận hỏa hoạn dữ dội xảy ra, chàng bất chấp hiểm nguy, lao vào lửa để cứu rừng và những con kangaroo (chuột túi) tội nghiệp. Chàng miệt mài dập lửa đến ngất xỉu và bị cháy rụi mà không hay biết.
Nghe tin chàng bỏ biển lên rừng, trong đêm tân hôn nàng bỏ trốn đi tìm người yêu. Nhưng khi đến nơi, nàng chỉ còn thấy xác chàng trong đống tro tàn. Nàng khóc than thảm thiết suốt ngày đêm đến kiệt sức, rồi gục chết bên chàng. Năm tháng trôi qua, tại nơi đôi trai gái chết mọc lên một loài cây thân mộc, lá xanh biếc, lấp lánh hoa vàng, thơm mát, rất kỳ lạ. Cảm kích với mối tình của đôi trai gái, người dân địa phương đặt tên cho loài hoa ấy là mimosa – một cái tên tuyệt đẹp!
Đây được xem là biểu tượng của tình yêu chung thủy và bất diệt. Ngày nay, những cặp tình nhân trao tặng nhau hoa mimosa để khẳng định sự chung thủy trọn đời. Các cô gái Đà Lạt thường ép hoa này vào trong sách tặng người yêu để bày tỏ sự trong trắng, thủy chung.
Mimosa (tên khoa học Mimosaceae) du nhập vào Đà Lạt hơn 100 năm trước. Ở Việt Nam, chỉ duy nhất mimosa trồng tại Đà Lạt nở hoa. Hoa thường nở quanh năm, nhưng nở rộ nhất vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Hoa hình cầu, màu vàng óng như tơ, từng chùm chi chít nụ, nở hết đợt này đến đợt khác. Ngắm hoa mimosa mọi thời khắc đều đẹp, nhưng ngắm dưới ánh trăng là đẹp nhất, bởi sự lung linh, huyền ảo.
Ở Đà Lạt có một con đường mang tên hoa “Mimosa”. Đó là đèo Mimosa dài 10 km, cửa ngõ phía nam Đà Lạt (song song với đèo Prenn). Từ một loài hoa ngoại nhập nhưng đến nay mimosa đã gắn liền với vùng đất Đà Lạt. Nơi phố núi, được trồng khắp nơi, trong các công viên, trường học, nhà thờ, chùa chiền, công sở, biệt thự, khu du lịch… để làm đẹp thành phố. Nhiều nghệ nhân ở Đà Lạt còn sáng tạo loại hình bonsai mimosa rất độc đáo, mang lại giá trị kinh tế cao.
“Anh đã biết rồi em ơi, vì em yêu cuộc sống trên cao, có thông reo rì rào. Vì em yêu dòng thác Cam Ly, như cuộc sống đang dâng trào. Vì em yêu nước hồ Xuân Hương, yêu thành phố muôn hoa, đã từng lưu luyến trái tim ta. Mimosa… em mimosa… hoa Mimosa” – bài hát “Mimosa” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã làm lay động bao trái tim yêu Đà Lạt…
Hà Hữu Nết
- Vĩnh Tiến gắn phát triển Doanh nghiệp với Trách nhiệm xã hội
- Những món quà Trung thu ý nghĩa dành tặng người thương
- Khoai lang Viên Sơn… “vươn xa”
- Công ty Nhôm Đắk Nông tổ chức Về nguồn tại Côn Đảo
- Giám đốc SNV Việt Nam: Cà phê Arabica Lạc Dương là đại diện tiêu biểu cho làn sóng cà phê đặc sản