Không khí buổi Cà phê doanh nhân đầu tiên của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) liên tục được “hâm nóng” bởi những tràng pháo tay hoan nghênh trước những chỉ đạo “nóng”, tháo gỡ ngay được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài.
- Nhiều kỳ vọng mô hình Cà phê doanh nhân Lạc Dương
- Không gian Cà phê Doanh nhân Lạc Dương hút hồn đối tác Nhật Bản
Chỉ đạo “nóng” tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Ngày 22/9/2022, Chi hội Doanh nghiệp Lạc Dương đã tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân đầu tiên, thu hút đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia. Đồng hành với chương trình có sự tham dự của Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài và lãnh đạo các phòng ban liên quan.
Ông Nguyễn Phục Quốc – Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp Lạc Dương cho biết, Chi hội được Huyện uỷ, UBND huyện Lạc Dương thống nhất giao tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân để tạo không gian kết nối giữa doanh nghiệp, HTX và lãnh đạo địa phương, nhằm kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
“Để phục vụ cho chương trình Cà phê doanh nhân, Chi hội đã thông báo đến các doanh nghiệp, HTX đề nghị tổng hợp khó khăn, vướng mắc để báo cáo với UBND huyện Lạc Dương. Tuy là chương trình đầu tiên nhưng đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ các doanh nghiệp, HTX, đặc biệt là sự tham gia đông đủ tại chương trình”, Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp Lạc Dương chia sẻ.
Ông Sử Thanh Hoài – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nêu quan điểm, Cà phê doanh nhân là nơi tạo không gian thoải mái, gần gũi, nhằm xoá bỏ khoảng cách giữa lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp, HTX. Cán bộ được mời tham gia là vinh dự và phải có trách nhiệm với doanh nghiệp chứ không phải đến để giao lưu, “bắt tay, bắt chân” rồi về.
“Đến với Cà phê doanh nhân không phải tất cả các vướng mắc của doanh nghiệp đều tháo gỡ ngay được vì có những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trên cần phải kiến nghị, tìm hướng giải quyết. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương sẽ được giải quyết bằng văn bản hoá. Trên tinh thần cầu thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân cởi mở, thẳng thắn đóng góp ý kiến, kiến nghị để cùng địa phương phát triển”, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương mong muốn.
Mở đầu phần trao đổi giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, ông Tô Quang Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc, cho biết, mỗi năm Công ty xuất khẩu khoảng 40 container (loại 40 feet) rau thủy canh sang Hàn Quốc. Tuy nhiên từ giữa năm 2021 đến nay, tuyến đường 79 đi qua Công ty bị hạn chế tải trọng <10 tấn, nên xe container không thể vào kho để nhận hàng mà phải trung chuyển ra đường 723.
“Tuyến đường này có nhiều doanh nghiệp chuyên canh rau, hoa xuất khẩu. Việc trung chuyển, bốc dỡ nhiều lần, không chỉ gây mất nhiều thời gian, phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá. Do đó, đề nghị ngành chức năng sớm xem xét dỡ bỏ hạn chế tải trọng trên tuyến đường này để việc vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp được thuận lợi”, ông Tô Quang Dũng kiến nghị.
Trước phản ánh cấp thiết này của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài đã gọi điện thoại “nóng” cho lãnh đạo Phòng Kinh tế – Hạ tầng để trao đổi thông tin và yêu cầu hoàn thành ngay thủ tục kiểm định, chậm nhất đến hết tháng 9/2022 phải dỡ bỏ bảng cấm tải trọng trên tuyến đường 79, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá.
Ông Trần Văn Kiệm – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao ĐKM, kiến nghị, ngành chức năng địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp được tiếp cận, đăng ký tham gia nhiều hội thảo, hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt hỗ trợ kết nối để có thêm nhiều điểm trưng bày sản phẩm, nhất là ở các khu, điểm du lịch trong tỉnh.
Về thủ tục hành chính, một số doanh nghiệp kiến nghị UBND huyện Lạc Dương cần tiếp tục cải cách theo hướng nhanh gọn, tránh mất nhiều thời gian đi lại cho doanh nghiệp, gây trễ tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, một số doanh nghiệp, HTX đề nghị xem xét sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho doanh nghiệp và xã viên để có điều kiện vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, HTX về việc do chưa được cấp GCN QSDĐ nên chưa được đấu nối với nguồn điện 3 pha để phục vụ sản xuất, ông Sử Thanh Hoài đề nghị đại diện Điện lực Lạc Dương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngay sau khi thảo luận, chốt phương án với ngành điện, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khi doanh nghiệp, HTX có nhu cầu làm giấy xác nhận đất sản xuất ổn định lâu dài đang chờ cấp GCN QSDĐ thì phải xem xét và ký xác nhận ngay để doanh nghiệp được đăng ký điện 3 pha phục vụ sản xuất.
Doanh nghiệp thấy “đã” khi dự Cà phê doanh nhân
Kéo dài trong hơn 2 giờ, với nhiều ý kiến, kiến nghị rất thiết thực, mang tính phổ quát với nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn, buổi Cà phê doanh nhân đầu tiên của huyện Lạc Dương liên tục được “hâm nóng” bởi những tràng pháo tay hoan nghênh trước những chỉ đạo “nóng”, tháo gỡ ngay được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài và các phòng ban chuyên môn.
Ông Lý Mạnh Hùng – Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Lạc Dương cho biết, đã từng tham dự nhiều cuộc họp, đối thoại, nhưng đều mang tính hội nghị, không khí rất trang trọng khiến doanh nghiệp muốn phát biểu cũng cảm thấy ngại ngùng. Khi phát biểu thì cũng chỉ mang tính phản ánh, ít được trao đổi để làm rõ sự việc, nên nhiều khi ra về, doanh nghiệp vẫn cảm thấy “ấm ức”, không thoả mãn.
“Đây là lần đầu tham dự Cà phê doanh nhân nhưng cảm thấy rất “đã” vì không chỉ được trình bày ý kiến kiến nghị của mình, mà còn được giải trình, trao đổi qua lại một cách cởi mở với lãnh đạo địa phương nhằm làm sáng tỏ những vướng mắc của doanh nghiệp”, ông Lý Mạnh Hùng chia sẻ.
Ông Sử Thanh Hoài – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đánh giá, tuy là lần đầu tiên Chi hội Doanh nghiệp Lạc Dương tổ chức Cà phê doanh nhân, nhưng rất thiết thực, hiệu quả vì đã tạo điều kiện để lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Qua đó nhiều vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh đã được tháo gỡ, giải quyết ngay.
Theo ông Sử Thanh Hoài, Cà phê doanh nhân không nhất thiết phải tổ chức định kỳ hàng tháng hay hàng tuần, mà khi có nội dung kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, HTX do Chi hội Doanh nghiệp gửi sang, UBND huyện sẽ phân công lãnh đạo và các phòng ban tham gia Cà phê doanh nhân, để công tác tháo gỡ khó khăn được kịp thời. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, HTX có ý kiến, kiến nghị nên có mặt trực tiếp để có sự tương tác, trao đổi, giải trình, nhằm làm sáng tỏ, giải quyết dứt điểm vấn đề.
“Tiềm năng của huyện Lạc Dương rất lớn, nhưng để khơi dậy tiềm năng đó, chỉ với sự vào cuộc của chính quyền địa phương là chưa đủ, mà phải có sự chung tay, góp sức trực tiếp của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, HTX. Cà phê doanh nhân là một trong những hình thức đồng hành, khơi nguồn cảm hứng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mạnh thì huyện sẽ mạnh, trên tinh thần win – win cùng nhau thắng lợi”, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương chia sẻ.