Công ty Cổ phần Nông sản LangBiang bao tiêu đầu ra chuối Laba cho người dân Đưng K’Nớ

Công ty Cổ phần Nông sản LangBiang thực hiện bao tiêu đầu ra chuối Laba cho người dân xã Đưng K’Nớ (Lạc Dương, Lâm Đồng), đồng thời đầu tư thiết bị để sơ chế, chế biến sản phẩm tại chỗ.

Đưng K’Nớ là xã vùng sâu của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Năm 2020, từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Lạc Dương đã phê duyệt chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuối Laba trên địa bàn xã Đưng K’Nớ. Đến nay, có 79 hộ dân tham gia với diện tích hơn 18ha.

Chuối Laba kỳ vọng là cây thoát nghèo cho người dân Đưng K’Nớ.

Qua 2 năm triển khai, cây chuối Laba sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi được với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Đưng K’Nớ. Tỷ lệ cây trổ buồng đạt trên 90% số cây trồng đợt đầu tiên, trọng lượng bình quân ước đạt 25-30 kg/buồng. Ước sản lượng đạt 432 tấn. Hiện nay có khoảng 70% cây chuối đã cho thu hoạch đợt thứ 2.

Theo đánh giá, chuối Laba Đưng K’Nớ có chất lượng tốt, màu sắc vỏ quả chuối sáng, bóng, đẹp mắt, vị ngon, ngọt, thơm, bùi và dẻo. Hiện nay, một số doanh nghiệp có nhu cầu thu mua chuối Laba Đưng K’Nớ với số lượng lớn để phục vụ cho sản xuất sơ chế, chế biến.

Bà Thái Thu Đào – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản LangBiang, cho biết, Công ty đang ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra chuối Laba cho người dân Đưng K’Nớ, để chế biến và bán trái tươi. Tuy nhiên, sản lượng chuối của bà con còn rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu mua.

“Nguồn sản phẩm từ cây chuối, đặc biệt là chuối Laba phục vụ cho tiêu thụ trong nước cũng như ngoài nước còn rất khan hiếm. Trong khi đó, chuối là loại cây trồng ngắn ngày, suất đầu tư không cao, quy trình trồng và chăm sóc đơn giản phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Do đó, nếu được sự quan tâm, hỗ trợ, chuối Laba sẽ là cây thoát nghèo của bà con Đưng K’Nớ”, CEO Thái Thu Đào chia sẻ.

Sản phẩm Chuối Laba Đưng K’Nớ sấy dẻo của Công ty Cổ phần Nông sản LangBiang.

Mới đây, UBND huyện Lạc Dương quyết định phê duyệt Đề án triển khai thực hiện hỗ trợ mô hình chuối Laba trên địa bàn xã Đưng K’Nớ, giai đoạn 2022-2025. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 3,3 tỷ đồng, từ nguốn vốn hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, ngân sách Trung ương, ngân sách huyện và đối ứng của người dân.

Sẽ có 200 hộ dân (ưu tiên là hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại xã Đưng K’Nớ) tham gia đề án, với 50ha đất sản xuất. Yêu cầu lựa chọn những hộ dân có khát vọng thoát nghèo, có ý chí vươn lên làm chủ được nguồn thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các hộ dân tham gia mô hình phải đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực (nhân công lao động, đất sản xuất…). Đồng thời cam kết chấp hành nghiêm các hướng dẫn quy trình canh tác chuối an toàn thực phẩm, đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường.

Mỗi hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ cây giống chuối Laba đạt tiêu chuẩn và một phần kinh phí mua phân bón triển khai thực hiện (không quá 0,25ha và không quá 10 triệu đồng/hộ). Ngoài ra, các hộ dân tham gia phải đối ứng một phần kinh phí mua phân bón và công chăm sóc theo quy trình được hướng dẫn.

Về giải pháp thị trường, sẽ thành lập các tổ hợp tác, UBND xã Đưng K’Nớ là cầu nối kết nối cho các tổ hợp tác ký kết các hợp đồng trách nhiệm với Hợp tác xã chuối và Công ty Cổ phần Nông sản LangBiang. Công ty Cổ phần Nông sản LangBiang đầu tư hệ thống máy sấy nông sản, máy đóng gói để sơ chế, chế biến sản phẩm chuối tại chỗ cho người dân.

Sản phẩm chuối Laba Đưng K’Nớ sấy giòn của Công ty Cổ phần Nông sản LangBiang.

Theo UBND huyện Lạc Dương, việc xây dựng và hình thành các mô hình trồng chuối Laba sẽ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Đưng K’Nớ, nhằm giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Đồng thời, phát triển vùng nguyên liệu chuối Laba đạt chuẩn hữu cơ và được chứng nhận là sản phẩm OCOP của địa phương. Xây dựng các mô hình để tạo vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến sâu như sấy dẻo, ép lấy mật, sấy giòn…

Bên cạnh đó, giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc. Thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã kiểu mới, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đời Sống News vinh dự đồng hành và lan tỏa Chương trình này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *