CEO Damaca 9X bỏ phố về quê, thổi hồn cho mắc ca made in Việt Nam

Nữ giám đốc 9X Nguyễn Thu Phương, người bỏ phố về quê và khởi nghiệp bằng chính những đặc sản của quê hương đã mang đến một “diện mạo” hoàn toàn mới cho hạt mắc ca Đắk Lắc. Câu chuyện khởi nghiệp, đồng hành với Mắc ca của chị chính là nguồn cảm hứng và tạo nên sức mạnh cho những bạn trẻ, dám làm, muốn làm và muốn cống hiến!

Chào CEO Damaca Thu Phương, tại sao bạn lại chọn Mắc ca để khởi nghiệp? Câu chuyện khởi nghiệp của bạn được ấp ủ nuôi dưỡng như thế nào?

CEO Nguyễn Thu Phương: Gia đình tôi có 4 anh chị em đều làm công chức Nhà nước, riêng tôi bản tính năng động nên chọn ngành Quản trị kinh doanh.

Ngay từ khi còn là sinh viên, tôi đã tập tành kinh doanh bằng cách mang những sản phẩm đặc trưng của vùng đất đỏ bazan như: Bơ, sầu riêng, mật ong rừng Đắk Lắk ra Đà Nẵng bán để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Ngày ra trường (năm 2014), nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, chấp nhận làm công việc trái nghề như lễ tân khách sạn, bán hàng… với mong muốn lập nghiệp ở “thành phố đáng sống”.

Tôi đầu tư mua sắm máy dập hạt, máy sấy, hút chân không và mua 4 tấn hạt mắc ca tươi. Ở Việt Nam chưa có máy dập hạt mắc ca chuyên dụng, trong khi máy nhập về từ nước ngoài có giá thành cao nên tôi chọn mua máy dập các loại hạt thông dụng rồi mang đến tiệm cơ khí gia công lại cho phù hợp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài bám trụ; năm 2016, tôi nhận ra mình không có duyên với vùng đất này nên quay về quê nhà.

Thời điểm đó đúng vào vụ thu hoạch mắc ca, nhìn những hạt mắc ca to tròn, nhưng không có đầu ra, tôi chợt nảy ra ý tưởng kinh doanh, bắt đầu lên mạng tìm hiểu thông tin, đi tham quan thực tế một số công ty chuyên sản xuất, chế biến mắc ca thành phẩm ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhưng do đây là lĩnh vực mới nên chưa có nhiều mô hình, tài liệu liên quan để học tập. Dù vậy, tôi vẫn quyết định theo đuổi với ý nghĩ “ít người làm thì mình có nhiều cơ hội”.

Lo xong phần máy móc, tôi gặp phải khó khăn mới về khâu bảo quản. Hạt mắc ca có lượng dầu rất lớn nên khi dập hạt xong để một thời gian hay bị ra dầu, ẩm mốc. Tôi thử đi thử lại nhiều lần với nhiều cách khác nhau nhưng vẫn không có kết quả. Sản phẩm lỗi liên tục, lỗ gần 60 triệu đồng. Thấy tôi bắt đầu nản chí, mẹ tôi luôn động viên con gái tiếp tục kiên trì “bởi ai mới làm lần đầu mà không gặp thất bại”.

Lấy lại tinh thần, tôi đêm ngày lao vào công việc, và cuối cùng thành công đã mỉm cười. Mẻ hạt mắc ca đầu tiên tôi dành tặng người thân ăn thử được đánh giá cao. Nhận được phản hồi tích cực, tôi càng có động lực, dồn hết tâm huyết cho ra lò tiếp nhiều mẻ mắc ca thơm ngon, béo ngậy. Sau đó, tôi thiết kế bao bì, mẫu mã và mang sản phẩm “Mắc Ca Nguyên Phương” đi đăng ký logo thương hiệu, xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhờ sản phẩm đạt chất lượng, giá cả phải chăng nên chỉ trong thời gian ngắn, 4 tấn mắc ca của tôi đã bán hết sạch, nhiều khách hàng muốn đặt mua tiếp nhưng đành chờ vào mùa sau. Vì tôi chỉ bán hạt mắc ca của chính vùng đất Đắk Lắk để bảo đảm uy tín, chất lượng chứ không chạy theo lợi nhuận nhập mắc ca khác về bán.

Mắc ca được mệnh danh là loại cây siêu lợi nhuận, cây tỷ đô… đang được nhiều nông dân ở Đắk Lắk chọn trồng với hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, hiện nay giá thu mua tại vườn chưa cao, nên tôi muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca cho chính quê hương của mình.

CEO Damaca 9X Nguyễn Thu Phương.

Tình hình của Damaca hiện nay như thế nào? Mọi thứ đã vào guồng và sản phẩm đã bắt đầu được biết đến như thế nào?

Sau một năm, công ty của tôi xuất ra thị trường 25 tấn hạt mắc ca, trừ chi phí còn lãi 450 triệu đồng. Hiện công ty đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, công suất 300 tấn/năm, với các sản phẩm: Mắc ca sấy dập nứt, Nhân mắc ca trần, Sô cô la nhân mắc ca, dầu mắc ca chất lượng cao và đang nghiên cứu cho ra sản phẩm Sữa bột mắc ca; Nhân mắc ca tẩm các vị và các sản phẩm chế biến sâu có áp dụng khoa học công nghệ để năng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Sản phầm của công ty dần được người tiêu dùng đón nhận và trở thành một trong những công ty sản xuất mắc ca Việt Nam hàng đầu hiện tay tại Đắk Lắk.

Với mong muốn có thể tạo công ăn việc làm cho thật nhiều lao động tại địa phương, đặc biệt là các bạn thanh niên nông thôn. Góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh hơn. Hiện nay, Damaca đã tạo công ăn, việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian tới, công ty sẽ liên kết với người dân địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định có diện tích 100 ha, xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm, nhà xưởng và vườn cây… hướng đến xây dựng một thương hiệu mắc ca cho quê hương mình, mang đến sản phẩm an toàn về sức khỏe và góp phần ủng hộ cho một sản phẩm sạch của nền nông nghiệp Việt Nam.

Để có những kết quả như vậy, chắc hẳn bạn cũng gặp không ít khăn trong quá trình kinh doanh, sản xuất?

Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn về công nghệ như là: Máy móc, kỹ thuật sấy dẫn tới sản phẩm bị hư hỏng, chất lượng không được đảm bảo nên thiệt hại nhiều.

Hiện nay đối với các công ty sản xuất những khó khăn liên quan chủ yếu là nguồn vốn, công nghệ, trình độ quản lý, đầu ra của thị trường và khó khăn lớn trong việc quy hoạch vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đối với mắc ca Việt Nam: Sản lượng đang tăng dần, nhưng ở thời điểm hiện tại số lượng còn ít, điều này tạo nên giá cả và chi phí sản xuất đầu vào cao. Bên cạnh đó các chi phí như Logistic tại Việt Nam cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó để mà cạnh tranh và mở rộng thị trường mang tầm Quốc tế.

Thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, trong đó có mắc ca của Việt Nam chưa mạnh: Việc quản lý thị trường còn lỏng lẻo dẫn đến chất lượng hàng hóa thị trường trong nước kém chất lượng, các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh và vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất nhiều, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh trong ngành, gây ảnh hưởng chung đến thương hiệu về sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Du khách về thăm quan trang trại mắc ca của Nguyễn Thu Phương.

Những thiết bị, phương pháp nào mới được Thu Phương áp dụng trong quá trình sản xuất?

Công ty ưu tiên các sản phẩm công nghệ, máy móc từ các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam nên hầu hết các thiết bị đều được tôi đặt gia công trong nước, chỉ có mốt số máy móc công nghệ cao chế biến sâu thì nhập từ nước ngoài như máy chế biến sô cô la mắc ca nhập từ Ý.

Phân khúc thị trường chủ yếu ở Tây Nguyên, Hà Nội, vậy khi nào thì … Nam tiến?

Trong năm 2020 chúng tôi cũng có kế hoạch thâm nhập thị trường phía Nam qua các kênh siêu thị, nhưng do tình hình dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh nên chúng tôi đang tạm ngưng. Sắp tới rất mong sẽ tìm được những nhà phân phối và những đại lý tại khu vực phía Nam để có thể đẩy mạnh phân phối tại thị trường này.

Nghĩ đến mắc ca, người tiêu dùng chỉ nghĩ đến xuất xứ từ Úc? Làm thế nào để với một bà chủ 9x, có thể thay đổi “nhìn nhận” của người tiêu dùng Việt Nam và mang mắc ca Việt Nam đi khắp nước mình?

Đây là nỗi băn khoăn của tôi khi mới vào ngành này, ban đầu mời họ dùng thử mắc ca mọi người sẽ nói: Việt Nam mắc ca sao ngon bằng Úc được, hay là chưa nghe thấy mắc ca Việt Nam bao giờ, thậm chí có người còn không biết hạt mắc ca là gì. Điều này thực sự rất khó khăn với tôi thời điểm đó. Tôi thậm chí còn cho họ ăn miễn phí và giảm giá rất thấp để họ dùng thử.

Nhưng may mắn đến thời điểm hiện tại đa phần khi khách hàng tìm tới họ đều khen sản phẩm của chúng tôi, họ khen mắc ca Việt Nam vị mới, tươi ngon hơn. Và xu thế khách hàng đang dần sử dụng các loại hạt và đặc biệt là mắc ca Việt Nam. Nên bây giờ khi giới thiệu sản phẩm với khách hàng trong nước và cả khách nước ngoài tôi rất tự tin giới thiệu rằng mắc ca Việt Nam rất ngon.

Sản phẩm mắc ca nổi tiếng Đắk Lắk.

Đến thời điểm này, Phương có thể tự tin rằng mình đã có những đóng góp thế nào cho sự phát triển của nông nghiệp Đắk Lắk? Định hướng của Damaca là gì?

Về sản phẩm nông nghiệp công ty đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, đóng góp cho sự phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Công ty luôn là doanh nghiệp tiên phong trong việc tham gia các kế hoạch ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao do tỉnh đề xuất.

Là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất và gây dựng thương hiệu hạt mắc ca cho Đăk Lăk và địa phương.
Sắp tới, tôi mong mình có thể phát triển cả chất và lượng cho nhân lực ngành nông sản mắc ca để nâng cao năng lực sản xuất: Con người là tiền đề cho sự phát triển. Do đó, đào tạo nhân lực, thu hút lao động sẽ là trọng tâm cho sự phát triển của bất cứ ngành hàng nào, nhất là những ngành sử dụng nhiều lao động như ngành nông sản.

Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ trong sản xuất và chế biến nông sản để nâng cao năng suất lao động: Bên cạnh nguyên liệu đầu vào và lao động, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nghiên cứu nhu cầu và hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tại EU: Nếu như các giải pháp về việc nâng cao số lượng và chất lượng các yếu tố đầu vào nguồn đầu tư nước ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoat động sản xuất thì các giải pháp về thị trường sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận và thâm nhập các thị trường tiêu thụ tiềm năng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng tại một thị trường khó tính và phát triển cao như châu Âu.

Cảm ơn những chia sẻ của CEO Thu Phương!

Hồ Ngọc

Doanh nghiệp Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *