Doanh nghiệp sốt ruột chờ sầu riêng xuống giá

Các doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết đều đang “án binh bất động” đợi giá thị trường thay đổi mới có thể giao dịch được. Theo họ, đây là mùa sầu riêng đầu tiên diễn biến ngược đảo giá thị trường, cần được nhìn nhận nghiêm túc để phòng đoán những nguy cơ về sau.

Tính đến chiều 31/7/2023, giá bán sầu riêng tại địa bàn tỉnh vẫn dao động trên 90.000 đồng/kg sầu Thái loại A, 64.000 đồng/kg Ri6 loại A… Phần lớn nhà vườn đều chưa thống nhất giảm giá bán, chỉ có một vài khu vực sầu riêng rụng, sầu “dạt” rao bán dưới 40.000 đồng/kg.

Giá cao, thương lái “đứng hình”

Nhận xét của một số doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng là những mức giá này vượt xa dự tính của họ nên gần như không thể mua được.

Mặc dù hiện tại mùa sầu riêng Đắk Lắk không thuận lợi, trái hỏng rụng nhiều, song đây cũng vẫn là mùa sầu riêng chín rộ ở các địa bàn khác. Vì vậy, nếu không thu mua được tại địa bàn tỉnh, thương lái vẫn dễ dàng tìm được các nguồn cung ứng hàng chất lượng không thua kém; các vườn trồng không thể viện dẫn giá cao vì lý do mất mùa.

Sầu riêng đang mùa chín rộ. (Ảnh: LangBiang).

Các doanh nghiệp cho biết, với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá sầu tăng trên 70.000 đồng/kg sầu riêng Thái loại A. Bởi lẽ nếu cộng thêm chi phí doanh nghiệp bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.

Tất cả đang tạo nên áp lực lớn cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng. Một số đơn vị khẳng định họ hoàn toàn “đứng hình” vì không thể cân nhắc được nên làm sao. Giá cao, doanh nghiệp chấp nhận đơn giá sẽ làm không có lãi. Nhưng không làm hàng, doanh nghiệp vẫn gánh chịu chi phí vận hành, tiền lương cho công nhân… không hề ít. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là một áp lực không đơn giản.

Quan trọng hơn, nội trong vòng 10 ngày tới, nếu giá sầu riêng giảm, các doanh nghiệp có thể thu mua thì lại quá tải năng lực sản xuất. Lượng hàng thu gom về nhiều, nhân công và kho bãi có hạn, chắc chắn doanh nghiệp không kịp đáp ứng tốt các đơn hàng. Thị trường như vậy có nguy cơ “vỡ trận” thực sự, nông dân có chấp nhận bán tháo sầu riêng cũng không kịp giải phóng các vườn trồng.

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk quan ngại, thời gian đi qua đang rất nhanh, mùa vụ sầu riêng chín rộ đã tới. Nếu giữa các doanh nghiệp và nông dân không khẩn trương hợp tác điều đình lại giá mua bán, tình hình sẽ xấu đi. Đến lúc “vỡ trận”, không chỉ có nông dân thua lỗ nặng nề, mà doanh nghiệp cũng vỡ các kế hoạch sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu, thiệt hại sẽ rất lớn, và đặc biệt uy tín thị trường sầu riêng Đắk Lắk sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Cần nhanh chóng có những động thái hợp tác giải phóng các vườn sầu riêng trước thời điểm chín rộ để tranh nguy cơ “vỡ trận”. (Ảnh: Vạn Tiếp).

Cần nhanh chóng thu hoạch

Nhìn nhận của ông Côn là các bên mua bán cần khẩn trương vào vụ thu hoạch, không thể chậm trễ hơn nữa. Báo chí truyền thông cùng các bên hỗ trợ kinh doanh cần cập nhật, truyền tải nhanh thông tin, phân tích rõ ràng, đích xác các nguy cơ “vỡ trận” vụ mùa sầu riêng năm nay, đến tận người nông dân để thay đổi quan niệm chờ đợi của họ. Các tổ chức, đoàn thể cũng nên tập trung vào cuộc, cùng đến với nông dân phân tích rõ hiện trạng, chống nạn đầu nậu tiếp tục đặt giá thu mua cao nhưng “ảo” trên thị trường.

“Hàng nghìn tấn sầu riêng sẽ có nguy cơ phải đổ bỏ, nếu tâm lý nông dân hiện nay vẫn quá cả tin vào các tin đồn thổi trên thị trường. Có không ít thông tin cho rằng phía Trung Quốc đang “rất hút” sầu riêng nên các đơn hàng đều đã thu mua hết rồi, thương lái và doanh nghiệp chế biến chỉ đang “ghìm hàng” để đợi giá xuống tăng lợi nhuận. Song điều đó là không chính xác. Hiện tại, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nào cũng đang rất sốt ruột vì bạn hàng từ chối tiếp nhận hàng trễ và không chịu giá cao. Nếu nông dân, các chủ vườn không thấy rõ vấn đề, tình hình sẽ rất nan giải”, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm chia sẻ như vậy. Bà Thanh nhấn mạnh, do tin sẽ bán giá cao, hầu như các vườn trồng đều đang từ chối các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu như đơn vị của bà.

Rõ ràng với hiện trạng đến nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng tại Đắk Lắk là bất ổn. Điều này cần được nhìn nhận thấu đáo và cần có sự vào cuộc, quan tâm cụ thể từ các cơ quan quản lý, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất canh tác cho nông dân. Cần nhanh chóng có những động thái hợp tác giải phóng các vườn sầu riêng trước thời điểm chín rộ, kịp tổ chức các đơn hàng xuất khẩu bảo đảm chất lượng, của cả các bên mua và bán.

Sầu riêng là một trong những loại đặc sản của Tây Nguyên, được người tiêu dùng ưa chuộng. (Ảnh: LangBiang).

Ngoài ra, theo ông Vũ Đức Côn, dư luận nên chú ý, nếu tổ chức thu hoạch tốt, sẽ tránh được tình trạng “quá tải thị trường” lúc cao điểm, dễ dẫn đến các sự việc “vận động giải cứu”. Ông Côn cho rằng, hoạt động tưởng chừng có ý nghĩa cộng đồng như vậy, thật sự là không nên tổ chức, vì sẽ có nạn trộn lẫn, đánh lừa người tiêu dùng mua phải các loại sầu riêng chất lượng kém, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín ngành sầu riêng Tây Nguyên và tổn thất cho người tiêu dùng.

Mùa sầu riêng năm nay của Đắk Lắk vì thế đang thật sự rất “nóng”, và trong những ngày đến, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến vẫn tiếp tục ngồi trông chờ giá xuống!

Nguyên Đức

Báo Đắk Lắk

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *