Trong bối cảnh chi phí logistics quá cao khiến hàng nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu khó cạnh tranh, việc lập hệ sinh thái logistics chuỗi lạnh cùng với gói giải pháp đồng bộ về hạ tầng, thể chế chỉnh sách, nhân lực… là cần thiết để nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt.
- Simexco 30 năm – Tầm nhìn mới
- Đà Lạt lần đầu tổ chức “Điểm hẹn doanh nhân”
- 130 năm Đà Lạt: Khởi nguồn Thành phố sáng tạo
- Nâng tầm quan hệ hợp tác hữu nghị Lạc Dương – Yachiyo
- Doanh nghiệp đồng hành cùng Đà Lạt xây dựng Thành phố sáng tạo âm nhạc
Khó cạnh tranh vì chi phí logistics quá cao
Nông sản xuất khẩu là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 22,6 tỷ USD – chiếm 42,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và yêu cầu nâng cao năng lực chuỗi giá trị.
Tại tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu – gắn kết hiệu quả với hệ thống logistics” ngày 23/6 tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, hệ thống logistics với một số yếu tố về thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, yêu cầu cấp thiết cần đạt những tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP, BRC, Global G.A.P nhằm đáp ứng hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu quan trọng trên thế giới chính.
Đây là động lực có ý nghĩa thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa hệ thống logistics với lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhằm nâng cao hiệu quả đối với khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch. Qua đó góp phần quan trọng gia tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường khu vực và quốc tế hướng tới nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, năm 2023, giống như các ngành nghề kinh doanh khác, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều tác động ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Đó là lạm phát tiếp tục tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới; đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất; nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực…Giá xăng dầu tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp do những biến động của các yếu tố chính trị và kinh tế.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu xuất hiện nhiều các rào cản thương mại mới. Trong đó, EU điều chỉnh các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vào ngày 26/1/2023. Các khu vực thị trường thuộc hiệp định CPTPP, UKVFTA đưa ra những sự điều chỉnh quan trọng trong quy định về hàng hóa nhập khẩu…
Phản ánh khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến chi phí logistics, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, chi phí logistics nông sản tại Việt Nam đang chiếm 20-25% giá trị hàng hóa, trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 12% hay thế giới 14%.
“Nông sản của thị trường nước khác có thể không hơn về chất lượng nhưng họ hơn về giá thành. Chỉ riêng chi phí logitstic thôi thì giá thành sản phẩm Việt đã hơn các thị trường khác mười mấy %. Do đó, nông sản Việt Nam chúng ta khó có thể cạnh tranh”, ông Tùng nói.
Cũng chia sẻ khó khăn về chi phí, bà Nguyễn Nam Phương Thảo – Giám đốc Kinh doanh Công ty Hoàng Phát cho biết, giá cước vận tải từ Bangkok đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ít nhất từ 1 – 1,2 USD/kg. Điều này làm cho nông sản Việt khó có thể cạnh tranh với nông sản Thái trên thị trường quốc tế.
Nêu khó khăn liên quan đến cơ sở hạ tầng, bà Nguyễn Tú Uyên – Tổng giám đốc Công ty CMU Logistics cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ phát triển chưa đồng bộ và chưa thật sự kết nối làm phát sinh nhiều thời gian, chi phí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, giá thành của nông sản.
Hệ thống cao tốc vẫn bị kẹt xe tại các nút giao/điểm nghẽn. Hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ. Chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ cho nông sản còn thiếu.
Phần lớn nhân lực logistics trong phục vụ nông nghiệp còn thiếu kinh nghiệm,thiếu sự hiểu biết về đặc tính riêng của hàng hóa nông sản. Do đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư tốn kém, không hiệu quả và giá trị gia tăng thấp… dẫn đến tình trạng các chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn, phân tán.
Lập hệ sinh thái logistics chuỗi lạnh
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng như đại diện các hiệp hội và DN đưa ra một loạt đề xuất, kiến nghị để nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, PGS, TS Hồ Thị Thu Hòa – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho rằng, cần thực hiện các gói giải pháp đồng bộ về hạ tầng, thể chế chính sách, nguồn nhân lực và đặc biệt là phát triển mô hình liên kết.
Theo đó, cần tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics chuỗi lạnh hướng tới kết nối khu vực. Thiết lập hệ sinh thái logistics chuỗi lạnh bao gồm sản xuất, chế biến và thương mại. Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là khung pháp lý, liên quan đến liên kết vùng. Cùng với việc phát triển nguồn nhân lực logistics cho chuỗi lạnh cần phát triển nền tảng điện tử cho logistics chuỗi lạnh.
Viện trưởng VLI cũng đề xuất phát triển mô hình liên kết 2 nhà với 2 hiệp hội là VLA và Vinafruit. Phát triển mô hình liên kết 4 nhà gồm VLA, Vinafruit, UNIDO và VLI.
Bà Nguyễn Nam Phương Thảo kiến nghị nghiên cứu, cải thiện, và áp dụng những công nghệ mới, kể cả quản lý theo hướng tin học 4.0 để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính ổn định trong quá trình vận chuyển cũng như giảm giá thành logistic, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các bên tham gia chuỗi cung ứng.
Tổng giám đốc Công ty CMU Logistics cho rằng, cần có quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm nâng cao chất lượng, ổn định giá thành. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hoá nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực.
Với DN, bà Uyên khuyến nghị áp dụng công cụ quản lý tiên tiến trong công nghệ 4.0 để giảm chi phí, tăng hiệu suất kinh doanh. Các DN logistics nông sản cần xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng logistics đa phương thức và toàn diện.
Bà Lê Thị Thanh Thảo – đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cho rằng, trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng rất lớn, nhất là bảo đảm sự tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản – một mặt hàng đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hơn các hàng hóa tiêu dùng thông thường khác.
Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu phải được kết nối chặt chẽ hơn với hệ thống logistics – lĩnh vực vốn được coi không chỉ là cầu nối, mà còn phải được xem như đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt.
Nguyệt Minh