Ước mơ bình dị của 3 đứa trẻ bán rau giúp mẹ chữa bệnh ung thư ở Đà Lạt

Các em là những đứa trẻ ngoan, lễ phép, sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ lại lâm trọng bệnh, nên ngoài giờ học, các em còn mang rau ra một góc vệ đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt để bán phụ giúp gia đình. Thương tình, có người ngỏ ý giúp đỡ, các em chỉ lắc đầu: “Chúng con có đủ để dùng rồi, không cần gì cả, chỉ mong sao mẹ sớm khỏi bệnh!”.

Giữa tiết trời lạnh giá, quanh năm lãng đãng sương mù, làm sao ta có thể dửng dưng, không chút chạnh lòng trước hình ảnh bé nhỏ, gầy guộc, thơ ngây của 3 đứa trẻ ăn mặc phong phanh ngồi nép mình bên một góc vệ đường Trần Hưng Đạo (đoạn đi qua Dinh 2, thuộc phường 10, TP. Đà Lạt), bán từng bó rau, quả bí.

Ngoài giờ học, những đứa trẻ này còn mang rau ra một góc vệ đường Trần Hưng Đạo – TP. Đà Lạt, để bán phụ giúp cha mẹ.

Trong dòng người nhộn nhịp ấy, có những bánh xe lăn qua rất vội; có những người dừng lại mua dùm 3 chị em bó rau rồi lẳng lặng bỏ đi; có những người đồng cảm xót thương, tặng thêm vài đồng lẻ khi các em không có tiền thối, kèm những lời thăm hỏi, động viên…

Theo chân anh Nguyễn Ngọc Khôi, Bí thư Đoàn Phường 10 (TP. Đà Lạt), chúng tôi cũng tìm được đến nhà của các em, trong một con hẻm nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh liêu xiêu, nhỏ bé của căn nhà tạm bợ, được che chắn bởi những tấm ván, tấm tôn cũ kỹ, tựa những phận đời bé nhỏ, mong manh!

Nơi ấy là “tổ ấm” của vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn, chị Hoàng Thị Phương và 3 đứa trẻ, lần lượt là: Nguyễn Thị Huyền (học sinh lớp 7A11, Trường THCS Phan Chu Trinh), Nguyễn Hoàng Mạnh Anh (học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Hùng Vương), Nguyễn Hoàng Minh Quân (lớp lá 2, Trường Mầm non phường 10).

Căn nhà xập xệ được ghép tạm bằng những tấm tôn cũ của gia đình 3 đứa trẻ bán rau bên vệ đường.

Lẽ ra cuộc sống các em trôi qua êm đềm như bao đứa trẻ bình thường khác, được học hành, vui chơi, hồn nhiên vô tư… Thế nhưng, từ ngày mẹ bị bệnh ung thư tuyến giáp, thương cha một mình gồng gánh gia đình nên ngoài giờ học, 3 chị em Huyền lại cắt rau ở vườn nhà hoặc đi mót (nhặt), đi xin về bán ở bên vệ đường Trần Hưng Đạo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhỏ xập xệ, trần nhà loang lổ mảnh vá bằng ni lông, anh Tuấn tâm sự, vợ chồng anh, người quê Phú Thọ, kẻ ở Thái Nguyên. Sau khi sinh con gái đầu lòng là bé Huyền, gia cảnh quê nhà quá khó khăn nên quyết định dắt díu nhau vào TP. Đà Lạt “tha hương cầu thực” bằng nghề thợ hồ, nhặt ve chai và đã bám trụ được ở “thành phố mộng mơ” này được hơn chục năm rồi.

“Nhà nghèo lại đông con, công việc làm thuê làm mướn nặng nhọc, bấp bênh, tháng nào dày công cũng được 5 – 6 triệu đồng. Bao nhiêu chi phí phải lo, từ cái ăn cái mặc hằng ngày, tiền học hành, sách vở cho con, tiền thuê đất dựng nhà 2 triệu đồng/tháng… nên cuộc sống vốn dĩ khó khăn lại càng thêm chật vật khi vợ tôi mắc bệnh ung thư tuyến giáp từ năm ngoái đến nay”, anh Tuấn thở dài.

Anh Tuấn hái vội mớ rau trong vườn nhà để các con đi bán.

Cũng theo anh Tuấn, mặc dù chị Phương đã được phẩu thuật nhưng bệnh vẫn chưa dứt hẳn, nay lại thêm tái phát thoát vị đĩa đệm, thoái hoá đốt sống cổ thứ 5 nên thường xuyên mệt mỏi, đau nhức, không làm được việc gì nặng nhọc. Vài ba tháng lại phải đi tái khám tại TP. Hồ Chí Minh, nên nghèo lại càng nghèo hơn.

Vừa ráng gượng đi nhặt được ít ve chai ở đầu hẻm về, chị Phương – mẹ của 3 đứa trẻ – ngồi tựa lưng vào chiếc ghế cũ kỹ, xộc xệch, được lắp ghép bằng những thanh gỗ vụn, do anh Tuấn đi làm xin về, cho biết, từ ngày tôi bị đau bệnh, kinh tế gia đình gần như trông chờ vào tiền công phụ hồ của chồng. Đã thế, mấy tháng nay, do dịch bệnh, các công trình xây dựng phải dừng thi công, nên ảnh lại thất nghiệp, cuộc sống gia đình đã khó lại càng khó hơn.

“Niềm an ủi của vợ chồng tôi là mặc dù ba đứa con còn nhỏ nhưng sớm ý thức tự giác học tập, yêu thương lẫn nhau, đỡ đần cha mẹ. Tôi chỉ mong sao bệnh tình thuyên giảm để có đủ sức khoẻ chăm lo cho các con và cố gắng làm lụng để vun vén tổ ấm gia đình”, chị Phương chia sẻ.

Ước mơ lớn nhất của cô chị cả tên Huyền là mong mẹ bớt bệnh để luôn được ở cạnh các em.

Theo anh Nguyễn Ngọc Khôi, Bí thư Đoàn Phường 10 (TP. Đà Lạt), tuy gia đình khó khăn là thế, nhưng các em đều rất ngoan ngoan, lễ phép, thật thà. Có lần đến thăm, ngỏ ý muốn tặng các em bộ đồ dùng học tập, bộ đồ chơi và bảo các em cần gì thêm, cứ ghi vào giấy. Thế nhưng các em chỉ lắc đầu và thỏ thẻ: “Chúng con có đủ để dùng rồi, không cần gì cả, chỉ mong sao mẹ con sớm khỏi bệnh để được ở mãi bên tụi con thôi!”.

Cũng theo anh Khôi, thời gian qua, Đoàn phường đã phối hợp với các Chi đoàn cơ sở, hội đoàn thể trên địa bàn phường và TP. Đà Lạt, đến thăm hỏi, động viên và dành tặng nhiều phần quà ý nghĩa, như: Nhu yếu phẩm, tiền mặt và đồ dùng học tập… để góp phần “tiếp lửa” cho các em cắp sách đến trường.

“Các em còn quá nhỏ nên chúng tôi luôn động viên, khuyến khích gia đình ưu tiên dành thời gian cho các em học tập. Việc các em ngồi bán rau trên vệ đường, xét về xuất phát điểm để phụ giúp gia đình là tốt; nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, chính quyền địa phương vẫn phải nhắc nhở, vận động không nên tiếp tục, để đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị và quyền trẻ em”, Bí thư Đoàn Phường 10, bày tỏ quan điểm.

3 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học hành, nhưng đã biết phụ giúp cha mẹ

Chia tay các em, chia tay ngôi nhà cheo veo lạnh lẽo, mùa đông không đủ ấm, mùa mưa nước tràn, nước dột vào nhà…, mà lòng chúng tôi không khỏi trào dâng cảm xúc khi nghĩ về hình ảnh những đứa trẻ co ro ngồi bán mớ rau, trái bí, bên vệ đường Đà Lạt.

Trong trái tim chúng tôi vẫn văng vẳng đâu đây nụ cười hồn nhiên, trong trẻo của các em và cả ước mơ giản dị của cô chị cả tên Huyền: “Con chỉ mong sao mẹ con sớm khỏi bệnh để được sống mãi bên chúng con. Ước mơ của con sau này là được trở thành hoạ sĩ để vẽ nên ngôi nhà hạnh phúc, bình dị, rộn rã tiếng cười và ấm áp tình yêu thương dưới những rặng thông rì rào bên hồ Xuân Hương…”.

Tâm An

Doanh nghiệp Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *