Đó là “mệnh lệnh” của đứa trẻ lên 4 khi ba mẹ lên đường cùng Đội tình nguyện chung tay chống dịch. Trong suy nghĩ non nớt của em, ba mẹ như những “siêu anh hùng” đang ngày đêm cùng đồng đội săn bắt và đánh đuổi con Covid đáng ghét ra khỏi cuộc sống này.
- Ai yêu cà phê thì về Buôn Ma Thuột
- Trường nội trú Hy vọng đón 200 học sinh mồ côi vì COVID-19 nhập học
- Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho vay ưu đãi lãi suất 5%/năm
- Simexco DakLak mang cà phê đặc sản Tây Nguyên chinh phục Cafe Show Vietnam 2023
Vợ chồng chị Trần Thị Dớn (sinh năm 1990) và anh Lâm Văn Sum (sinh năm 1989), quê Bạc Liêu, là cán bộ quản lý tại một công ty sản xuất giày da ở TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên anh chị phải tạm thời nghỉ việc.
Cách đây hơn 1 tháng, tình cờ đọc được lời kêu gọi của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động tỉnh Bình Dương về việc xây dựng Đội tình nguyện tham gia phòng chống dịch Covid-19, vốn từng học ngành y, anh chị quyết định đăng ký tham gia, với mong muốn góp sức cùng quê hương thứ 2 của mình chiến thắng đại dịch.
Để quyết định tham gia đội tình nguyện, điều trăn trở nhất của anh chị là vấn đề chăm sóc cho 2 con nhỏ là Lâm Trần Nhật Duy (12 tuổi) và Lâm Trần Quốc Dương (4 tuổi). Tuy nhiên, sau khi đặt vấn đề, ông bà ngoại “gật đầu cái rụp”, vui vẻ làm “hậu phương” chăm sóc 2 cháu để anh chị yên tâm tham gia chống dịch.
Hàng ngày, cứ mỗi buổi sớm mai, khi các con còn yên giấc ngủ là vợ chồng chị Dớn lại tất bật chở nhau đến Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động tỉnh Bình Dương, tập kết cùng đồng đội ở đội tình nguyện, “lên đồ” bảo hộ, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn TX.Bến Cát.
Đội tình nguyện được xe của trung tâm chở đến các điểm tập kết người dân, qua từng con đường, ngõ hẻm để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho từng người dân nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đến khoảng 8-9 giờ tối, đội tình nguyện mới xong việc, các thành viên cùng nhau ra về.
Mỗi ngày, thường có 2 chuyến xe tình nguyện chở gần thành viên của 30 đội tình nguyện đi làm nhiệm vụ. Mỗi đội khoảng 60-70 người, được sắp xếp 2 người một bàn, 1 người lấy mẫu test, 1 người nhập liệu. Nếu đông người thì bố trí mỗi bàn 3 người để hỗ trợ nhau cho sớm hoàn thành công việc.
Chị Dớn kể, vợ chồng chị được “ưu tiên” sắp xếp cùng một đội, nhưng hôm nào có người mới thì phải tách ra để hỗ trợ. Anh em tình nguyện viên luôn gắn kết, hỗ trợ nhau, yêu thương nhau như một gia đình. Hôm nào có đội chưa test xong cho người dân là đội khác ở lại hỗ trợ để xong việc cùng nhau về.
“Khi bắt tay làm việc mới thấy bà con rất dễ thương và hợp tác. Gặp đội ngũ tình nguyện viên chúng tôi, bà con cứ động viên “các cháu cố gắng giúp dân nha”, “chị có nước đá đây, các em uống tí cho mát”… nghe sao mà ấm lòng, quên bao mệt nhọc”, chị Dớn chia sẻ.
Khi được hỏi, tham gia hỗ trợ tuyến đầu phòng chống dịch có cảm thấy sợ không, chị Dớn nở nụ cười sau lớp khẩu trang, rồi nói: “Nếu nói không sợ thì không đúng. Nhưng chứng kiến những khó khăn, đau thương, mất mát do dịch bệnh gây ra là tôi dặn lòng phải cố gắng. Mỗi tình nguyện viên đều tự ý thức và nhắc nhở nhau phải hết sức cẩn trọng và tuân thủ các quy định phòng chống dịch”.
“Cứ sau 3 ngày, chúng tôi được xét nghiệm test nhanh cho bản thân. Lúc lấy mẫu đợi test, chúng tôi cảm giác hồi hộp đến lo sợ. Sợ mình nhiễm bệnh một phần nhưng đáng sợ hơn là trở thành gánh nặng cho mọi người và không được tiếp tục góp chút công sức của mình để cùng cả nước chống dịch”, chị Dớn chia sẻ.
Thế là cũng đã được hơn một tháng, vợ chồng chị Dớn đồng hành cùng với đội tình nguyện của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động tỉnh Bình Dương ra tuyến đầu hỗ trợ công tác phòng chống dịch, với biết bao vui buồn, khó khăn, gian khổ. Thế nhưng, mọi người luôn giữ vững niềm tin với đầy ắp tinh thần lạc quan.
“Cho dù có khó khăn, nguy hiểm, chúng tôi cũng sẽ cố gắng vượt qua, để cùng đội đi đến mục tiêu cuối cùng là không còn dịch bệnh trên quê hương Đất Thủ. Để doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, người dân có công ăn việc làm ổn định. Để các em thơ được cắp sách đến trường, nhà nhà, người người có cuộc sống thanh bình”, anh Sum tâm tình.
Chị Dớn chia sẻ thêm, thương nhất vẫn là hai đứa trẻ. Các con còn quá nhỏ để hiểu được những việc ba mẹ đang làm là gì. Lúc đầu, hai bé không chịu cho ba mẹ đi, vì sợ con Covid sẽ “cướp mất” ba mẹ. Vợ chồng chị phải năn nỉ mãi các con mới chịu cho đi.
“Bé Dương mới 4 tuổi, đưa tay nắm lấy vạt áo của mẹ, nhắn nhủ: Ba mẹ ráng bắt cho hết con Covid rồi về với con nha! Nghe đến đây, hai vợ chồng tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà mắt cứ đỏ hoe”, chị Dớn kể.
Đúng là lời của con trẻ nghe sao đông đầy cảm xúc. Tuy chưa thể hình dung ra con Covid trông ra sao và nguy hiểm như thế nào, nhưng trong suy nghĩ non nớt của bé, ba mẹ như những “siêu anh hùng” đang ngày đêm cùng đồng đội săn bắt và đánh đuổi con Covid đáng ghét ấy ra khỏi cuộc sống này.
Viên Hữu – Tâm An
(Bài đoạt giải Khuyến khích – Kỷ niệm 45 năm thành lập Báo Sông Bé – Báo Bình Dương)
- Huda tiếp tục khơi nguồn nước sạch vì miền Trung yêu thương
- Đắk Nông tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên
- Nhiều cơ hội xuất khẩu lớn sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ
- Đạo diễn Jos Tuấn Dũng ra mắt khoá đào tạo Nhân hiệu thực chiến
- Dương Thị Hạnh – Nữ doanh nhân với sứ mệnh kết nối